Nên làm rõ tỷ lệ ký quỹ
T+0 là giải pháp đang được nhà đầu tư, cũng như các CTCK trông đợi. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi cho giải pháp này, ý kiến từ các CTCK cho rằng, UBCK cần bổ sung một số nội dung vào dự thảo Thông tư.
Theo các CTCK, một trong những nội dung quan trọng, nhưng dự thảo Thông tư chưa quy định là tỷ lệ ký quỹ đối với nhà đầu tư khi họ giao dịch T+0. Nếu không làm rõ tỷ lệ này thì vừa gây khó cho hoạt động quản lý, giám sát của UBCK, vừa gia tăng rủi ro cho CTCK.
“Tỷ lệ ký quỹ áp dụng đối với giao dịch trong ngày nên thấp hơn mức ký quỹ của tài khoản margin thông thường”, lãnh đạo một CTCK lớn đề xuất.
Câu hỏi đặt ra là tỷ lệ ký quỹ đối với giao dịch T+0 nên trao quyền cho CTCK quyết định, hay UBCK đề xuất Bộ Tài chính chốt cứng khi ban hành Thông tư thay thế Thông tư 74/2011?
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, các CTCK muốn được trao quyền định đoạt tỷ lệ ký quỹ, để vừa chủ động, linh hoạt, vừa tạo ưu thế cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, nếu triển khai theo hướng này thì dễ dẫn đến nguy cơ “loạn”, mất an toàn hệ thống. Bài học từ việc các CTCK “vượt rào” cho vay margin trước đây cho thấy, trong thời gian đầu triển khai giải pháp T+0, nếu UBCK không quy định cụ thể tỷ lệ ký quỹ, mà trao quyền cho các CTCK tự quyết định tỷ lệ này, thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong khối CTCK.
Thậm chí, để giành giật khách hàng, gia tăng thị phần, các CTCK có thể cho nhà đầu tư vay với tỷ lệ rất cao. Điều này dẫn đến nguy cơ, khi nhà đầu tư đối mặt với tình huống mất khả năng thanh toán và tìm cách “xù” nợ, thì mọi trách nhiệm thanh toán sẽ dồn lên CTCK.
Nếu trường hợp này rơi vào các CTCK có sức khỏe tài chính không tốt, thì sẽ đe dọa tính an toàn của hệ thống. Do đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực này, UBCK nên đề xuất Bộ Tài chính quy định cụ thể tỷ lệ ký quỹ áp dụng đối với nhà đầu tư khi giao dịch T+0.
Tuy nhiên, để quy định này tránh rơi vào trạng thái quá cứng nhắc, nhà quản lý nên cân nhắc đưa ra tỷ lệ tối thiểu, trên cơ sở đó vẫn phần nào tạo linh hoạt cho các CTCK trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Cần tách bạch tài khoản giao dịch T+0
Theo các CTCK, ở nhiều thị trường trên thế giới, để đảm bảo giải pháp T+0 vận hành minh bạch, khả thi, họ đưa ra cơ chế về mở tài khoản riêng chuyên phục vụ cho giao dịch T+0. Điều này giúp quản lý được các hoạt động: ký quỹ, mở - đóng trạng thái của nhà đầu tư, cũng như giúp CTCK, nhà quản lý kiểm soát được mức độ giao dịch của nhà đầu tư. Nếu tích hợp hoạt động giao dịch T+0 vào tài khoản margin, có thể sẽ gây khó khăn trong triển khai giải pháp kỹ thuật, cũng như giám sát hoạt động giao dịch của nhà đầu tư.
Việc tách bạch tài khoản giao dịch T+0 quan trọng là vậy, nhưng lại chưa được thể hiện tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011. Bởi vậy, để đảm bảo vừa dễ cho CTCK thực thi, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà quản lý giám sát, UBCK cần xem xét bổ sung quy định về mở tài khoản giao dịch T+0 vào dự thảo Thông tư.
Khi đó, nhà đầu tư có 3 loại tài khoản: tài khoản giao dịch thông thường, tài khoản giao dịch margin và tài khoản giao dịch trong ngày (cuối ngày có số dư bằng 0, bất kể là mua trước, bán sau hay ngược lại).
Với giao dịch T+0, nếu NĐT bán/mua chứng khoán ngày hôm trước, nhưng chưa thể bán/mua trong ngày, thì phải thực hiện lệnh giao dịch trong ngày hôm sau. Để xử lý trường hợp nhà đầu tư cố tình không tuân thủ quy định này, UBCK cần đưa ra chế tài đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe, nhằm giảm thiểu rủi ro cho CTCK, tránh nguy cơ mất an toàn hệ thống.
Để mở rộng quyền tự do giao dịch cho nhà đầu tư, các CTCK đề xuất, UBCK nên xem xét cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán trên đường về tài khoản. Bước cải cách này sẽ góp phần gia tăng vòng quay của dòng tiền, qua đó cải thiện thanh khoản cho thị trường.