Bán cả doanh nghiệp, hấp dẫn hơn

Bán cả doanh nghiệp, hấp dẫn hơn

(ĐTCK) Kết quả từ các phiên đấu giá bán cổ phần trọn lô, nhất là phiên đấu giá cổ phần CTCP Du lịch Kim Liên cho thấy, cơ chế bán đấu giá cổ phần theo lô mang lại nhiều lợi ích cho các bên.


Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 về việc bán cổ phần theo lô đến nay, có 4 DN bán đấu giá cổ phần trọn lô qua HNX là CTCP Dược Hà Tĩnh, CTCP Dược vật tư y tế Thanh Hóa, CTCP Liên hiệp Thực phẩm và CTCP Du lịch Kim Liên. 

Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 về việc bán cổ phần theo lô đến nay, có 4 DN bán đấu giá cổ phần trọn lô qua HNX là CTCP Dược Hà Tĩnh, CTCP Dược vật tư y tế Thanh Hóa, CTCP Liên hiệp Thực phẩm và CTCP Du lịch Kim Liên.

Cả 4 phiên đấu giá cổ phần này đều là bán bớt phần vốn nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ.

Trong đó, phiên đấu giá gần đây nhất diễn ra ngày 22/12, thu hút nhiều NĐT quan tâm là SCIC bán đấu giá toàn bộ hơn 3,6 triệu cổ phần, chiếm 52,4% số lượng cổ phần đang lưu hành của CTCP Du lịch Kim Liên.

Tại phiên đấu giá, tổng khối lượng đăng ký mua gấp 40 lần so với khối lượng chào bán, giá đặt mua cao nhất gấp 9 lần so với giá khởi điểm.

Kết quả, 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã bán hết cho 1 NĐT tổ chức, với giá đấu thành công 274.200 đồng/CP. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt trên 1.000 tỷ đồng, cao hơn 888,5 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Kết quả từ các phiên đấu giá bán cổ phần trọn lô, nhất là phiên đấu giá cổ phần CTCP Du lịch Kim Liên cho thấy, cơ chế bán đấu giá cổ phần theo lô mang lại nhiều lợi ích cho các bên.

Với Nhà nước, đó là thu được phần thặng dư lớn nhờ yếu tố cạnh tranh tạo ra chênh lệch khá cao giữa mức giá bán đấu giá thành công so với giá khởi điểm.

Còn với NĐT, họ không phải tốn nhiều thời gian, công sức “nằm phục” chờ cơ hội mua gom cổ phiếu của các DN mà họ ưa thích đầu tư. Quan trọng hơn, họ thực sự có cơ hội làm chủ DN sau khi mua thành công cổ phần lô lớn.

Yếu tố thúc đẩy việc “đổi chủ” tại DN hậu đấu giá cổ phần lô lớn, trong nhiều trường hợp được nhìn nhận là bước “cổ phần hóa lần hai”, tạo động lực đổi mới quản trị, cung cách làm ăn của DN.

Rộng hơn, đây là nhân tố thúc đẩy việc áp dụng các luật chơi thị trường minh bạch và công bằng, không chỉ trong phạm vi hoạt động của cộng đồng DN, mà cả nền kinh tế.

Vì những tác động lan tỏa tích cực ấy, nên việc áp dụng cơ chế bán đấu giá trọn lô không là “độc quyền” của SCIC, mà Chính phủ cho phép mở rộng ra các đối tượng DN khác. Điều này đã được cụ thể hóa tại Quyết định 999/QĐ-UBCK ngày 19/11/2015 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về Quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần theo lô tại Sở GDCK.

Do nhiều DN đã xếp hàng chờ bán cổ phần theo lô trước khi Quyết định 999 được ban hành, nên 1 tháng sau khi văn bản này có hiệu lực, đang có nhiều DN đặt lịch bán đấu giá cổ phần lô lớn, với giá trị lô cổ phần cần bán lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Trong số đó, đáng chú ý là ngày 11/1/2016, HNX sẽ tổ chức đấu giá bán cổ phần theo lô để thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam-CTCP. Số lượng lô bán đấu giá là 1 lô với hơn 85,5 triệu cổ phần (97,7% vốn điều lệ), có giá khởi điểm trên 1.250 tỷ đồng.

Để làn gió mới bán đấu giá cổ phần theo lô tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa, thì cùng với việc cơ quan quản lý tích cực tháo gỡ các vướng mắc mà DN gặp phải trong quá trình thực hiện, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai, để tránh hiện tượng tiêu cực, móc ngoặc, đảm bảo cho các cuộc đấu giá diễn ra minh bạch, công bằng.

Tin bài liên quan