Động thái này được kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực trả nợ đến hạn, đặc biệt là khoản nợ trái phiếu không chuyển đổi được phát hành từ cuối năm 2014.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III (niên độ tài chính 1/10/2016-30/9/2017), tính đến 30/6/2017, nợ phải trả của HVG là 12.731 tỷ đồng, chiếm gần 81% tổng tài sản và gấp 4,2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn là 11.766 tỷ đồng, chiếm 92,4% tổng nợ, trong đó vay nợ 7.202 tỷ đồng, giảm khoảng 380 tỷ đồng so với con số cuối niên độ 2016 và phải trả người bán ngắn hạn 4.025 tỷ đồng. Trên Báo cáo tài chính Công ty mẹ, số dư nợ vay (ngắn và dài hạn) đã giảm 19% so với đầu kỳ, tức giảm 699 tỷ đồng.
Có thể thấy, HVG đã từng bước trả nợ, nhưng chưa thấm tháp so với tổng nợ phải trả, nhất là nợ ngắn hạn.
Mặc dù, tổng tài sản ngắn hạn của HVG khá tương đương với nợ ngắn hạn, nhưng áp lực trả nợ của HVG vẫn khiến cổ đông lo ngại. 4 quý gần nhất, chi phí lãi vay phải trả hàng quý đều ở mức trung bình trên 120 tỷ đồng, tạm tính đơn giản, mỗi ngày HVG phải chi trả khoảng 4 tỷ đồng tiền lãi vay.
Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, đáng chú ý là khoản phải thu ngắn hạn 7.219 tỷ đồng (sẽ phải rốt ráo thu tiền nếu nợ đến hạn) và hàng tồn kho 3.912 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho thành phẩm tăng lên 2.682 tỷ đồng, trong khi nguyên vật liệu giảm đáng kể từ mức 713 tỷ đồng về 299 tỷ đồng.
Sở dĩ cần chú ý đến khoản mục tồn kho là bởi theo Chủ tịch HĐQT Dương Ngọc Minh, trong khi giá xuất khẩu tăng thì sản lượng nuôi trồng lại giảm, dẫn đến nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, mà HVG là đơn vị tự chủ 100% vùng nuôi. Do vậy, HVG đã chủ động “để dành” nguyên liệu cho các quý sau, khi mức giá tăng cao hơn. Tuy nhiên, con số hàng tồn kho tại thời điểm 30/6/2017 vẫn rất cao, chỉ giảm 708 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý, thời điểm cuối năm 2014, HVG phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi có thời hạn 3 năm cho 2 tổ chức là BIDV (700 tỷ đồng, đáo hạn tháng 11/2017) và VIB (300 tỷ đồng) nhằm tái cơ cấu các khoản nợ, cũng như bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh.
Tài sản đảm bảo là các cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), trong khi quyền sử dụng đất của CTCP Địa ốc An Lạc, công ty con của HVG, là tài sản thế chấp. Cuối năm 2017 sẽ là thời điểm đáo hạn các khoản trái phiếu trên.
Có thể thấy, áp lực trả các khoản nợ đến hạn của HVG đang gia tăng, trong khi để có được nguồn tiền trong bối cảnh hiện nay là không hề dễ dàng, khi Công ty đang tập trung đầu tư cho hoạt động kinh doanh lõi là nuôi trồng, chế biến cá tra, thức ăn chăn nuôi, kho lạnh và nuôi heo (trong đó, dự án nuôi heo ngàn tỷ vẫn chưa mang lại doanh thu đáng kể).
Vì vậy, động thái tiến hành thoái vốn và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc mới công bố được giới đầu tư nhận định là cách để HVG thực hiện nghĩa vụ trả nợ đến hạn, trong khi các hoạt động kinh doanh lõi chưa mang về dòng tiền đủ lớn.
Nhiều khả năng, HVG sẽ nỗ lực hoàn thành việc thanh lý ngay trong năm nay để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn.
Tuy nhiên, cần chú ý một điều là quyền sử dụng đất tại công ty con này đã được HVG sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản nợ trái phiếu. Do vậy, HVG sẽ phải sử dụng một “nguồn khác” để giải chấp, rồi mới có thể tiến hành thanh lý.
Theo công bố, ước tính tổng diện tích các bất động sản thuộc diện thanh lý vào khoảng 20.000 m2, bao gồm 2.611,6 m2 đất tại số 94 và 96 Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6; 5.643,0 m2 đất tại 765 Hồng Bàng, phường 6, quận 6; khu đất theo tờ bản đồ số 7, số thửa 23-24-25-30 tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, diện tích sử dụng 11.903 m2.
Được biết, các bất động sản trên đều nằm ở những vị trí đắc địa, là đất sạch sẵn sàng để phát triển dự án. Khảo sát sơ bộ các thông tin rao bán đất mặt tiền khu vực quận 6 cho thấy, giá bán trên m2 khá cao, đạt trên 100 triệu đồng/m2. Như vậy, nếu thanh lý thành công, HVG sẽ giải quyết khá đáng kể gánh nặng nợ vay.
Sau khi hoàn tất việc thanh lý bất động sản, thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, phần còn lại được phân phối cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ vốn góp. Cụ thể, HVG là 76%; ông Lê Nam Thành 19% và ông Dương Ngọc Minh 5%.
Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu niên độ, HVG đạt 12.276 tỷ đồng doanh thu, giảm 17%, nhưng doanh thu xuất khẩu tăng từ 4.668 tỷ đồng lên 5.235 tỷ đồng, chủ yếu nhờ trong kỳ sản lượng xuất khẩu và giá bán vào riêng thị trường Mỹ tăng hơn 30%.
Dự báo trong quý tới, thị trường Mỹ vẫn khả quan, song thị trường Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vươn lên dẫn đầu về mức độ tiêu thụ. Điều này cũng thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của HVG.