Bán bảo hiểm qua ngân hàng chững lại

Bán bảo hiểm qua ngân hàng chững lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh phân phối qua ngân hàng đang chững lại sau nhiều năm liên tục tăng trưởng cao do nhiều yếu tố.

Ghi nhận sơ bộ từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (số liệu chưa tính Bảo Việt) cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của toàn thị trường tháng 1/2023 qua kênh đại lý giảm 28% so với cùng kỳ, qua kênh ngân hàng (bancassurance) giảm khoảng 30%.

Nếu doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh đại lý tiếp tục suy giảm là điều đã được các doanh nghiệp bảo hiểm lường trước, vì việc tuyển dụng mới chưa có dấu hiệu khả quan thì việc suy giảm tăng trưởng của kênh bancassurance lại có những nguyên nhân khác. Ngoài lý do khách quan là tháng 1 có kỳ nghỉ Tết dài nên doanh thu khai thác mới của tất cả các kênh đều giảm mạnh thì kênh bancassurance còn phải đối mặt với thông tin không tích cực từ những phản hồi của khách hàng về chất lượng bán.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có ý kiến chỉ đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm trước tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn được phản ánh trên một số phương tiện truyền thông gần đây.

Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường trong tháng 1/2023 qua kênh ngân hàng giảm khoảng 30% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm; tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.

Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm…

Những nhiễu loạn đang xảy ra ở kênh bancassurance khi có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng cũng như cả ngân hàng, công ty bảo hiểm sẽ được sớm xử lý. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, về ngắn hạn, tăng trưởng doanh thu khai thác mới từ kênh này sẽ gặp khó khăn vì việc bán bị siết lại, với các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt là việc ghi âm, ghi hình khách hàng khi tư vấn qua kênh này không phải khi nào cũng nhận được sự đồng thuận của khách hàng…

Về lâu dài, bảo hiểm khai thác qua ngân hàng được nhìn nhận vẫn là kênh phát triển tốt. Trên thế giới, theo thống kê của tổ chức Imarc, thị trường bancassurance năm 2021 ước tính khoảng 1.270 tỷ USD và dự báo đạt mức 1.800 tỷ USD sau khoảng 9 năm, tức năm 2027. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới hiện nay đến từ kênh bancassurance, 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu bancassurance trên 1.000 tỷ đồng.

Dù kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển trong tương lai, nhưng vì cả lý do khách quan và chủ quan, kênh này không thể tiếp tục phát triển “nóng” như thời gian qua.

Ngoài việc triển khai rất nhiều hoạt động kiểm soát chặt chẽ quy trình bán hàng và chất lượng bán hàng để đảm bảo khách hàng được tư vấn đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm, các công ty bảo hiểm cũng đang thực hiện các cuộc gọi sau bán hàng một cách triệt để nhằm đảm bảo khách hàng hiểu rõ quyền lợi bảo hiểm; bán đúng sản phẩm theo phân khúc khách hàng như khách hàng vay ưu tiên tư vấn sản phẩm bảo vệ, nhóm khách hàng gửi tiết kiệm thì tư vấn các sản phẩm liên kết đầu tư… Đặc biệt là việc thực hiện các hoạt động mua hàng ẩn danh để kiểm tra và đánh giá lại chất lượng của tư vấn viên cũng sẽ được một số doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thường xuyên hơn.

Với rất nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng tư vấn, các doanh nghiệp bảo hiểm hy vọng kênh bancassurance sẽ được nhìn nhận như đúng bản chất tích cực mà nó vốn có và sớm tăng trưởng trở lại.

Tin bài liên quan