Đang có nhiều kiến nghị về việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy (tạm gọi tắt là bảo hiểm bắt buộc xe máy) nên được chuyển sang hình thức mua tự nguyện thay vì bắt buộc như hiện nay. Vấn đề này từng được đề cập trước đây, hiện quan điểm của ông thế nào?
Ông Trần Nguyên Đán, giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM |
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm như đã từng chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán vài năm trước rằng, loại bảo hiểm xe máy này vẫn cần thiết nhưng nên để công ty bảo hiểm (là đơn vị bán sản phẩm này ra thị trường) được tự quyết về phí bảo hiểm và cơ chế bồi thường cũng như cách tiếp cận bảo hiểm sao cho dân “bớt chê”, bởi thực tế là việc triển khai chi trả bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe máy vẫn còn gây khó khăn cho người dân, chứ không phải do cơ chế.
Nhiều người kiến nghị bỏ quy định bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy là do cách triển khai chi trả bồi thường, chứ không hẳn do loại hình bảo hiểm này có vấn đề. Việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ tất cả mọi người tham gia giao thông, phù hợp với xu thế trên thế giới.
Nếu để nhà bảo hiểm được tự quyết mức phí bảo hiểm và cơ chế bồi thường như ông đề cập thì có nên tiếp tục áp mức phí 66.000 đồng/năm như hiện nay?
Theo quy định hiện hành, mức phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy có dung tích xi-lanh trên 50 cc là 66.000 đồng/năm và dưới 50 cc là 55.000 đồng/năm. Song, nếu căn cứ vào tỷ lệ bồi thường thực tế đang ở mức thấp như hiện nay thì kể cả giảm phí xuống thấp hơn nữa, chẳng hạn là 22.000 đồng/năm, thì công ty bảo hiểm vẫn có lãi.
Tất nhiên, cũng có thể giữ nguyên mức phí như hiện tại nhưng công ty bảo hiểm cần xem xét tăng thêm quyền lợi cho khách hàng. Việc để các công ty bảo hiểm chủ động áp phí, tăng năng lực chăm sóc khách hàng là vì bản chất của kinh doanh bảo hiểm không phải làm ra để lời nhiều.
Theo tôi, mức phí bảo hiểm bắt buộc xe máy hiện hành không cao, người dân hoàn toàn có thể chi trả, vấn đề ở đây là điều kiện, thủ tục bồi thường cần phải đơn giản hơn nữa, nhất là cách thức triển khai bồi thường không được làm khó dễ người dân.
Theo số liệu mới nhất vừa được Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) công bố, tính đến hết tháng 9/2022, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 3.221 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 6,5% trong tổng doanh thu; bồi thường đạt 562 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 17,4%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 9.819 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 19,7%; bồi thường đạt 5.564 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 56,7%.
Tuy nhiên, khác với những lần công bố trước, lần này IAV không cung cấp số liệu riêng về số tiền bồi thường của bảo hiểm bắt buộc xe máy cũng như tỷ lệ bồi thường tính trên doanh thu, mà chỉ có kết quả chung là doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (bao gồm cả xe máy lẫn ô tô). Dù vậy, tôi cho là trong đó tỷ lệ bồi thường đối với bảo hiểm bắt buộc ô tô vẫn lớn, còn bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Số liệu thống kê của IAV cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, số tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ là hơn 11,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 2,2%. Con số này tuy còn rất nhỏ so với doanh thu sản phẩm này (đạt hơn 545,4 tỷ đồng), nhưng cũng đã có những ca bồi thường được chi trả.
Cũng có ý kiến cho rằng, thủ tục bồi thường bắt buộc xe máy hiện đơn giản hơn nhiều so với trước đây, vấn đề nằm ở người dân có biết và có đi đòi hay không?
Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được Chính phủ ban hành vào tháng 1/2021 đã cắt giảm bớt nhiều thủ tục bồi thường, nhưng điều quan trọng là trong quá trình giải quyết bồi thường bảo hiểm các công ty bảo hiểm có thực thi đúng hay không, hay vẫn “hành” người dân theo quy định cũ.
Quy định trước đây yêu cầu vụ tai nạn có mức chi trả trên 10 triệu đồng là phải có hồ sơ của cơ quan công an, bao gồm biên bản khám nghiệm phương tiện giao thông, sơ đồ hiện trường, kết luận vụ tai nạn giao thông (nguyên nhân ra sao, lỗi do ai, thỏa thuận bồi thường...), nhưng quy định mới không cần các tài liệu này trong hồ sơ bồi thường, ngoại trừ trường hợp nạn nhân bị tử vong. Vậy nhưng có bao nhiêu ca bồi thường không bị yêu cầu hồ sơ công an, hay ca nào cũng bị yêu cầu? Bộ Tài chính cần bám sát thực tế, có những thống kê, nghiên cứu để tiếp tục cải tiến, sửa đổi, hướng đến sự hài lòng của người dân, bên cạnh việc kiểm soát rủi ro và phòng chống gian lận bảo hiểm.
Nhiều người cho rằng, mức chi trả bồi thường thấp là do cơ chế, chính sách cũ được áp dụng trước thời điểm tháng 3/2021 là quá chặt chẽ, nhưng ngay cả khi đã áp quy định mới mà công ty bảo hiểm không tuân thủ thì người dân biết làm sao? Nếu người dân không đủ thông thái, không đủ thông tin thì có thể loay hoay, nản lòng.
Việc công ty bảo hiểm “phớt lờ” quy định, chẳng hạn vẫn yêu cầu phải có tài liệu của cơ quan công an trong hồ sơ bồi thường, cho thấy đang có hiện tượng trốn tránh trách nhiệm, cố tình gây khó khăn cho người dân. Theo ông, cần phải xử lý thế nào?
Tôi đề nghị Bộ Tài chính cần mạnh tay xử phạt đối với những công ty bảo hiểm cố tình không tuân thủ quy định và công khai các quyết định xử phạt đó trên toàn thị trường để tăng tính răn đe.
Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo đài để đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm, chính sách bồi thường bảo hiểm…, nhất là các sản phẩm có tính đại chúng cao như bảo hiểm bắt buộc ô tô, xe máy; giám sát chặt việc thực thi triển khai chi trả bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đưa ra đề xuất bỏ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy, chuyển sang hình thức mua tự nguyện thay vì bắt buộc. Trước đó, cử tri một số địa phương như Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã gửi tới Chính phủ đề xuất chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm xe máy sang hình thức tự nguyện để đảm bảo quyền lợi người dân.
Để phân tích mức phí bảo hiểm, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội lấy số liệu năm 2019 làm dẫn chứng và cho biết, trong năm này, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc lên tới 765 tỷ đồng, trong khi số tiền bồi thường chỉ là 45 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,8% doanh thu. Nếu cộng thêm cả 20% hoa hồng xe máy (theo Thông tư số 50/2017/TT-BTC) và 20% lợi nhuận, chi phí quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm thì tỷ lệ chi trả bảo hiểm cũng chỉ đạt 45,8% - tức chưa tới 50% doanh thu. Do đó, ông Sơn cho rằng, có thể xem xét giảm một nửa mức phí bảo hiểm bắt buộc xe máy so với mức hiện hành từ 55.000-66.000 đồng/năm là phù hợp, hài hòa lợi ích các bên.
Lý giải số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tai nạn xe máy còn quá thấp, lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, nếu chỉ nhìn vào doanh thu, mức bồi thường bảo hiểm là chưa toàn diện vì trong cơ cấu doanh thu, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập các khoản dự phòng và các chi phí khác, chứ không chỉ dùng để bồi thường.
Trên thực tế, theo kết quả kiểm tra bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới năm 2019 của cơ quan này, tổng số vụ yêu cầu bồi thường bảo hiểm nghiệp vụ này là gần 29.000 vụ, trong đó yêu cầu bồi thường đối với xe máy chỉ là hơn 2.000 vụ với tỷ lệ số vụ được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường lên đến 99,8%.