Nhu cầu tăng vốn khắp nơi
Tăng năng lực tài chính là nhu cầu tự thân của tất cả các DN, không riêng khối CTCK khi TTCK đã phát triển như hiện nay. Bên cạnh đó, để không quá lệ thuộc vào các nguồn vốn vay ngân hàng, khối CTCK cũng buộc sẽ phải tự thân vận động trong việc tìm nguồn vốn cho chính mình. Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đang được nhiều CTCK lựa chọn và phương thức này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Song công cụ trái phiếu dường như chỉ dành cho những CTCK có uy tín, hiệu quả, với dòng tiền ổn định mới có thể tiếp cận được thị trường này.
Tháng 11/2014, CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS) đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu. Đây là CTCK đầu tiên của năm 2014 thực hiện thành công việc tìm vốn bằng trái phiếu và cách làm này đang được nhiều công ty đánh giá cao về sự linh hoạt. Dự kiến, trong năm 2015, VCBS sẽ phát hành thêm 500 tỷ đồng trái phiếu cũng theo hình thức trên.
Theo quy định mới tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, hàng loạt khoản vay margin có thể sẽ phải điều chỉnh, vì tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng cho kinh doanh cổ phiếu của một tổ chức tín dụng được quy định không quá 5% vốn điều lệ. Khi nguồn vốn vay bị khống chế, CTCK buộc phải tìm nguồn vốn mới nhằm duy trì chính sách tín dụng đã cam kết với khách hàng. Nhu cầu này còn lớn hơn với các CTCK trực thuộc ngân hàng mẹ, do chính sách không được sử dụng nguồn vay từ ngân hàng mẹ để cho vay đầu tư cổ phiếu.
Một số CTCK thuộc ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn lớn trong thời gian tới. Trao đổi với ĐTCK, ông Lữ Bỉnh Huy, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Phương Nam (PNS) cho biết, việc tăng vốn đang được nhiều CTCK tính đến để đáp ứng nhu cầu dịch vụ tài chính cho khách hàng cũng như để triển khai các sản phẩm mới và PNS cũng không nằm ngoài mục tiêu đó. “PNS chắc chắn tăng vốn trong nửa đầu năm 2015, tuy nhiên vẫn đang cân nhắc về cách thức phát hành để đạt hiệu quả tối ưu”, ông Huy nói.
CTCK Techcombank lên kế hoạch tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. CTCK MBS dự kiến huy động khoảng 600 tỷ đồng vốn mới từ trái phiếu. CTCK SHS cũng dự kiến tìm vốn qua trái phiếu. Một số CTCK khác, không thuộc khối ngân hàng, như Tân Việt, Trí Việt… cũng tính việc tăng vốn trong tương lai gần.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT CTCK Trí Việt cho biết, Công ty Quản lý đầu tư Trí Việt (sở hữu 49% vốn của CTCK Trí Việt) đang chuẩn bị để phát hành trái phiếu với khối lượng 30 tỷ đồng (tương đương với 3.000 trái phiếu có mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu) với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 10,5%/năm. Theo ông Tùng, điểm mới trong việc phát hành trái phiếu của Trí Việt là nhà đầu tư có thể sang tên, chuyển nhượng ngay sau khi phát hành và có thể bán lại cho tổ chức phát hành sau 6 tháng. Ngoài ra, trái phiếu do Trí Việt phát hành được quyền cầm cố, repo ngay tại Công ty để mua cổ phiếu…
Nằm trong TOP những CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường, CTCK SSI có nhiều thuận lợi hơn trong việc tìm vốn mới. Công ty này cho biết sẽ tiếp tục nâng quy mô vốn trong năm 2015. Cùng với con đường phát hành cổ phiếu, về trái phiếu, SSI dự kiến phát hành từ 1.000 tỷ đồng đến 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm cho đối tượng là các định chế tài chính, tổ chức tín dụng và cá nhân có nhu cầu.
Đón đầu tham gia thị trường phái sinh
Ngoài việc để chủ động về nguồn vốn đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư thì theo nhiều CTCK, việc tăng vốn cũng là cần thiết để “đón đầu” cơ hội tham gia thị trường chứng khoán phái sinh vào năm 2016. Dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh quy định, CTCK muốn tham gia hoạt động tự doanh phải có quy mô vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tối thiểu 600 tỷ đồng, đối với hoạt động môi giới là 800 tỷ đồng, ngoài ra còn phải đáp ứng các yêu cầu về vốn khả dụng, điều kiện công nghệ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Chính vì vậy, những CTCK có vốn đạt xấp xỉ ngưỡng trên, dĩ nhiên, rất muốn tăng vốn đề đáp ứng đủ yêu cầu.
Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh UBCK cho biết, TTCK ngày càng mở rộng, phát triển và đòi hỏi các công ty chứng khoán phải nâng cao năng lực của mình, về vốn lẫn chất lượng hoạt động nghiệp vụ.
Theo ông Sơn, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, CTCK đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là nhiều về lượng, nhưng chưa đồng đều về chất, thậm chí nhiều CTCK hoạt động rất yếu kém, trong khi đó có những CTCK lớn trên thế giới có thể có quy mô vốn bằng toàn bộ CTCK hiện tại của Việt Nam. Điều này cho thấy, số lượng CTCK không quan trọng bằng quy mô và chất lượng CTCK.
“Các hoạt động trên thị trường phái sinh đòi hỏi trình độ nghiệp vụ và năng lực tài chính cao từ phía các công ty chứng khoán, do mức độ rủi ro cao hơn, quy mô giao dịch có thể rất lớn do sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính” ông Sơn nói và cho biết, các CTCK khi muốn tham gia vào một sân chơi mới thì tăng quy mô vốn là yêu cầu đầu tiên. Tiêu chuẩn này trước hết là để đảm bảo an toàn cho chính công ty, cho nhà đầu tư và hoạt động thông suốt của thị trường.
Hệ lụy của việc tìm vốn bằng trái phiếu
Kế hoạch sự ra đời của TTCK phái sinh tại Việt Nam cũng tạo áp lực buộc các CTCK vừa và lớn tăng vốn để gia nhập thị trường. Với các CTCK nhỏ hơn, tăng vốn để tồn tại, để có nguồn duy trì dịch vụ cấp vốn cho khách hàng khi dòng vốn vay từ ngân hàng bị suy giảm, là nhu cầu cấp thiết.
Tuy nhiên, việc các CTCK nỗ lực tìm vốn mới trong bối cảnh TTCK còn chịu nhiều rủi ro như hiện nay là một bài toán rất khó với người lãnh đạo khối DN này. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng, khi chọn con đường tìm vốn mới bằng trái phiếu, nhất là trái phiếu lãi suất cao, chi phí vốn của CTCK sẽ cao hơn nhiều hiện nay, khi CTCK “cấp margin đồng nào thì vay ngân hàng đồng đó” với mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp.
Vì thế, nếu các CTCK huy động vốn mới thành công, việc nâng tầm năng lực tài chính với khối DN này là không thể phủ nhận, nhưng hệ lụy của nó là lãi suất cho vay margin đến nhà đầu tư có thể sẽ cao hơn hiện nay, tạo áp lực buộc TTCK phải sinh lợi lớn hơn, nếu không sẽ giảm sức hấp dẫn các dòng vốn.