Bệnh viện Nội tiết Trung ương là cơ sở đầu tiên thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2006.
Giảm phụ thuộc vào ngân sách
Tự chủ tài chính tại các bệnh viện được coi là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập thoát khỏi cảnh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước, từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho các bệnh viện trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã làm thay đổi “diện mạo” của một số bệnh viện công. Đơn cử, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương - cơ sở đầu tiên thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2006, đã thực hiện vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở mới tại Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) khang trang, sạch đẹp, đưa vào hoạt động từ năm 2012.
Chính từ khoản đầu tư đó mà hiệu quả đạt được rất lớn, từ chỗ Bệnh viện chỉ có 30 giường bệnh với 4 dãy nhà cấp 4, đến nay, Bệnh viện có tổng số giường bệnh nội trú là 1.079 với hơn 900 thầy thuốc, nhân viên y tế, người lao động làm việc tại 42 khoa lâm sàng, cận lâm sàng và các phòng chức năng.
Tương tự, Bệnh viện K Hà Nội cũng được Bộ Y tế giao là đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên từ năm 2017. GS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện cho biết, doanh thu của Bệnh viện tăng trưởng tốt, năm 2017 tăng hơn 40%, năm 2018 tăng gần 20% và năm 2019 tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số.
Theo ông Thuấn, tự chủ tài chính đồng nghĩa với việc người bệnh là người trả lương cho y, bác sĩ, vậy nên thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện là điều tối quan trọng.
“Bệnh viện coi người bệnh là khách hàng, làm hài lòng khách hàng vì chính họ sẽ là người nuôi bệnh viện cũng như cán bộ, nhân viên, đó chính là mấu chốt của vấn đề”, ông Thuấn nói.
Từ cơ chế tự chủ, Bệnh viện đã không trông chờ, ỷ lại vào nguồn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, mà chủ động huy động các nguồn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở, trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị.
Chính vì vậy, người bệnh đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện K đã được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao như chụp PET/CT, xạ trị đa mức năng lượng…
Khó khăn trong cân đối thu - chi
Sau thời gian dài sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách, nay các bệnh viện công phải tự chủ tài chính, loay hoay tìm cách để tồn tại, chắc chắn sẽ có những đơn vị không thể “tự bơi”, gặp khó khăn trong bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên.
Là bệnh viên có tên tuổi, cơ sở vật chất khang trang, nằm giữa trung tâm Thủ đô, đội ngũ bác sĩ chất lượng, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Saint Paul tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân, song lãnh đạo Bệnh viện vẫn lo lắng về việc phải “cân đo” các khoản thu - chi.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Saint Paul chia sẻ, mặc dù tay nghề của bác sĩ, phòng mổ có tầm cỡ quốc tế, vật tư, thuốc men theo giá ngoại, nhưng chi phí cho một ca phẫu thuật ở Việt Nam thấp hơn nhiều lần so với khu vực. Thu cao thì sợ bệnh nhân đến cơ sở y tế khác, mà thu thấp thì không đủ bù chi.
“Chúng tôi luôn phải cân nhắc để bảo đảm bệnh nhân được hưởng các dịch vụ “chất lượng ngoại, giá nội”, mà lại đủ chi để duy trì hoạt động. Trong khi đó, chúng tôi chưa được đào tạo về kinh tế, việc phải tìm cách có thu đủ để “nuôi quân” mà vẫn hoạt động tốt, phát triển tốt thật sự là một áp lực”, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Saint Paul lo lắng.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng khó khăn trong việc cân đối thu - chi, khi phải tự chủ tài chính.
Ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, hiện giá viện phí mới chỉ được tính 4/7 yếu tố, còn 3 yếu tố là khấu hao tài sản cơ sở hạ tầng, khấu hao trang thiết bị, chi phí đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn chưa được cấu thành vào giá viện phí.
Một khó khăn nữa mà các cơ sở đang đối mặt là cơ chế tự chủ chưa được triển khai toàn diện, khi cơ sở không được tự chủ trong tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, mua sắm thiết bị.
Theo ông Tiến, việc mua sắm vật tư tiêu hao, trang thiết bị, thuốc… đều qua đấu thầu tập trung, Bệnh viện không được chủ động mua sắm, trong khi thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp.
“Chỉ cần chậm trễ, quá thời gian quy định trong hợp đồng, các công ty cung ứng sẽ cắt đơn hàng, ảnh hưởng nhiều đến việc khám, chữa bệnh”, ông Tiến nói.
Để khắc phục những hạn chế khi thực hiện tự chủ tài chính, ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiến nghị, Bộ Y tế cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt đối với các bệnh viện tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư.
Trao quyền cho bệnh viện chủ động về công tác nhân sự, tăng mức phân cấp đối với các dự án đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn để người bệnh được hưởng lợi.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), để giảm bớt áp lực cho các đơn vị trong thực hiện tự chủ tài chính, sẽ phân loại đơn vị để giao tự chủ theo đúng khả năng của đơn vị, không giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên khi nguồn thu chưa đủ. Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính.