“Con số 10,5 triệu tỷ đồng đầu tư dự toán trên, nếu không có sự tham gia của khối kinh tế ngoài nhà nước thì sẽ rất khó có đủ lượng vốn này và hiệu quả đầu tư cũng khó đạt như mong đợi”, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nhìn nhận.
Cùng quan điểm với ông Hùng, nhiều đại biểu Quốc hội đồng thời đặt câu hỏi về tính khả thi trong huy động được nguồn lực này, nhất là trong bối cảnh khu vực nhà nước đang gặp khó khăn trong vay thêm vốn do nợ công tăng nhanh và hiện ở mức cao.
Trong khi dư địa cung cấp thêm nguồn vốn cho nền kinh tế của khu vực nhà nước đang thu hẹp thì nguồn vốn ngoài khu vực nhà nước là không gian rộng mở, sức dân rất lớn. Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) nhận xét, hiện nay vốn ngân sách ít, vay thêm gặp khó vì trần nợ công đã ở mức cao, nhưng người dân đang giữ vàng, tiền rất nhiều... “Do đó, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu một cơ chế đặc biệt để huy động nguồn vốn trong dân”, ông Thể đề xuất.
Để thúc đẩy nguồn vốn ngoài nhà nước, trước hết là nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp có thể chọn con đường tăng vốn chủ sở hữu, vay vốn ngân hàng hoặc huy động vốn xã hội qua chào bán cổ phần. Trong gợi mở này, phát triển TTCK lành mạnh, hiệu quả chính là cách tạo kênh huy động vốn cho các thành phần kinh tế.
Kể từ khi TTCK hoạt động đến nay, đã có trên 2 triệu tỷ đồng vốn được huy động qua thị trường non trẻ này, trong đó khu vực nhà nước (Chính phủ huy động qua công cụ trái phiếu) huy động được khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, còn lại là của các doanh nghiệp, trong đó có nhiều ngân hàng lớn đã huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng thời TTCK “sốt nóng”. Vấn đề là làm thế nào để phát huy hơn nữa chức năng huy động vốn của TTCK nhằm hút được lượng vốn lớn hơn trong dân?
Ngoài yếu tố thói quen ưa thích gửi tiền vào ngân hàng của người dân chưa mấy thay đổi, lãi suất ngân hàng còn cao và lãi tiền gửi ngân hàng không phải chịu thuế, nội tại TTCK cũng có những điểm cần cải tổ để tăng sức hấp dẫn dòng vốn. Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, khả năng bảo vệ nhà đầu tư… trên TTCK còn yếu, là những yếu tố khiến TTCK Việt Nam chưa bật được lên.
Để khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế 5 năm tới không thể không tính đến giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển mạnh hơn. Dự án Luật thay thế Luật Chứng khoán sẽ được Chính phủ soạn thảo vào năm 2017 để trình Quốc hội xem xét, ban hành. Những quyết sách tạo không gian mới, ưu đãi mới cho TTCK phát triển rất cần được gợi mở từ tầm nhìn chiến lược ngay từ hôm nay.