Bài học từ vụ Huada Funiture khởi kiện PJICO

Bài học từ vụ Huada Funiture khởi kiện PJICO

(ĐTCK) Sau vụ cháy lớn thiêu rụi 6.000 m2 nhà xưởng của Công ty TNHH Huada Furniture Việt Nam (Huada Funiture) hồi đầu năm 2012 là một cuộc tranh cãi chưa có hồi kết về hiệu lực hợp đồng bảo hiểm giữa Huada Furniture và Pjico.

Huada Furniture xứng đáng được nhận bảo hiểm hay có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm vẫn đang chờ Tòa án Nhân dân TP. Biên Hòa xét xử. Các luật sư đưa ra những quan điểm trái chiều, với những khuyến nghị về bài học cho DN và nhà bảo hiểm, nhìn từ vụ việc này.

Luật sư Thái Văn Cách

Theo quy định của pháp luật  thì đại lý là một kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm, đại lý thay mặt doanh nghiệp bảo hiểm  chào bán, thu xếp hợp đồng với người có nhu cầu tham gia bảo hiểm. Mặt khác,việc đại lý chào bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là không trái quy đinh của luật pháp. Như vậy, việc đại lý của PJICO Đồng Nai tiếp xúc với Huada Funiture giới thiệu, chào bán bảo hiểm là phù hợp với quy định của  pháp luật và thực tiễn, tập quán bảo hiểm.

Về trình tự và thủ tục, cũng như các hợp đồng thương mại, kinh tế khác, để tiến tới  ký kết hợp đồng, doanh nghiệp và đối tác luôn có thời gian trao đổi, thương thảo và giải thích các điều kiện bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ các bên, đây được coi là giai đoạn tiền hợp đồng. PJICO Đồng Nai gửi hợp đồng và quy tắc bảo hiểm cho Huada Funiture cũng chỉ là việc chào mời, thương thảo.

Tuy nhiên, nếu sau khi Pjico gửi hợp đồng ký sẵn mà Huada Funiture ký hay hoặc trong thời gian đó, đại diện của họ đã thông báo cho Pjico - có thể bằng email hoặc fax  rằng, họ đồng ý với các điều kiện của Hợp đồng mà Pjico gửi thì Hợp đồng đương nhiên có hiệu lực, bởi theo quy định: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập bằng văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là Giấy chứng nhận bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”.

Vấn đề ở đây là, ngay từ tháng 11/2011, Pjico đã gửi Hợp đồng, nhưng tới tận ngày xảy ra cháy, Huada Funiture không gửi trả lại Hợp đồng đã ký, không có bất cứ bằng chứng nào nói rằng, Huada Funiture đã chấp nhận các điều khoản của Hợp đồng.

Nếu sau khi xảy ra tai nạn, Huada Funiture mới ký thì Hợp đồng đó sẽ bị coi là vô hiệu, do vào thời điểm mà Huada Funiture ký, tài sản hay đối tượng được bảo hiểm đã không tồn tại, hành vi này còn được coi là gian lận bảo hiểm.

Một vấn đề khác là cho dù Huada Funiture chứng minh được rằng, họ đã ký hợp đồng nhưng đến tận thời điểm xảy ra cháy mà Huada Funiture vẫn chưa nộp phí cho Pjico thì tổn thất vẫn không thuộc trách nhiệm bảo hiểm, bởi theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì trách nhiệm bảo hiểm chỉ phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và người được bảo hiểm đã nộp đủ phí bảo hiểm, trừ phí hai bên có thỏa thuân khác, đương nhiên là phải bằng văn bản.

 
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng

Công ty bảo hiểm đã ký vào hợp đồng bảo hiểm tức là đã chấp nhận các điều khoản của “cuộc chơi” và phải chịu trách nhiệm với ràng buộc của hợp đồng. Còn về biên bản xác nhận rằng, tại thời điểm xảy ra tổn thất, phía khách hàng chưa ký vào hợp đồng bảo hiểm, chưa rõ người đại diện cho Huada Funiture ký là ai, nếu chỉ là một nhân viên thì còn phải xem xét biên bản có đảm bảo về mặt hình thức, thẩm quyền không, bởi nhân viên không có thẩm quyền xác nhận hợp đồng mà phải là người đại diện pháp luật của DN.

Tuy vậy, vụ tranh chấp về hiệu lực hợp đồng giữa Huada Funiture và PJICO  thêm một lời nhắc nhở đối với DN khi tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng phải chặt chẽ cả về mặt nội dung, hình thức, thẩm quyền. Pháp luật có điều khoản quy định về hợp đồng kinh tế nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng và DN cần xem xét kỹ để tránh phát sinh về sau.

 
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico

Chưa rõ các chứng cứ đầy đủ của các bên thế nào, tuy nhiên, dựa trên thông tin mà ĐTCK đã nêu thì phải xem xét ngày hợp đồng có hiệu lực được quy định trong hợp đồng là ngày nào. Giả sử sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian hợp đồng đã có hiệu lực và cũng không có bằng chứng cho thấy khách hàng đã biết trước tổn thất rồi mới mua bảo hiểm, nhằm trút rủi ro cho nhà bảo hiểm thì hợp đồng có hiệu lực. Về mặt logic và thực tế khách quan trong giao dịch giữa các bên, việc thương thảo hợp đồng là một quá trình và hai bên đã thỏa thuận các điều khoản hợp đồng từ phí, giới hạn trách nhiệm, thời hạn hợp đồng… Sau đó, nhà bảo hiểm ký hợp đồng và gửi cho khách hàng, khi này sự kiện bảo hiểm chưa diễn ra. Trong lúc khách hàng chưa ký thì sự kiện bảo hiểm xảy ra như vậy, trong trường hợp này, khách hàng không biết trước tổn thất rồi cố tình mua bảo hiểm để đòi bồi thường. Ngoài ra, bên bảo hiểm đã ký và gửi cho khách hàng, tức là chấp nhận tất cả các điều khoản của hợp đồng. Việc ký của khách hàng chỉ còn là thủ tục hành chính, thủ tục nội bộ của khách hàng.

Về mặt pháp lý, khi nhà bảo hiểm đặt bút ký tức là đã chấp nhận các điều khoản của hợp đồng, còn việc bên kia ký chỉ là thủ tục cuối cùng, trước đó các bên đã thương thảo với nhau mới hình thành nên nội dung hợp đồng.

Từ vụ việc này, có bài học kinh nghiệm đáng nói. Đầu tiên là ở phía khách hàng, các DN phải mua bảo hiểm thì nên thực hiện dứt điểm, hoàn thiện xong thủ tục tránh rủi ro bất ngờ như trường hợp của Huada Funiture. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng hơn là biên bản xác nhận rằng, tại ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm chưa được ký. Biên bản này có một nhân viên của Huada Funiture ký vào. Tôi chưa rõ nội dung đầy đủ của biên bản cũng như không biết nhân viên ký ở cấp bậc nào, có được ủy quyền hay không, nhưng tình huống này cho thấy, quản trị của DN có vấn đề. Vì sao lại có một nhân viên đứng ra ký xác nhận, thực hư việc này ra sao? Phải chăng là nhận thức pháp lý của DN còn yếu kém nên mới xảy ra tình huống đó? Đây là việc mà các DN khác phải rút kinh nghiệm.

Ở góc độ khác, bảo hiểm là ngành kinh doanh rủi ro và phải quản trị được rủi ro để có lợi nhuận từ đó. Trong trường hợp này có lẽ việc kiểm soát quy trình bán bảo hiểm cần được xem lại. Một phương thức giao tiếp đơn giản giữa các bên là gửi một công văn kèm hợp đồng nói rõ, trong thời hạn nhất định nếu khách hàng không ký hợp đồng và gửi lại thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực.