Việt Nam hiện đang đứng thứ 122 trên tổng số 189 nền kinh tế được xếp hạng trên toàn cầu về bảo vệ các nhà đầu tư

Việt Nam hiện đang đứng thứ 122 trên tổng số 189 nền kinh tế được xếp hạng trên toàn cầu về bảo vệ các nhà đầu tư

Bài học quản trị công ty từ Thái Lan

(ĐTCK) Tại Hội thảo về quản trị công ty (QTCT) vừa được tổ chức tại Thái Lan, TS. Bandid Nijathaworn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viện Thành viên HĐQT Thái Lan chia sẻ, hàng năm, Diễn đàn Các thị trường vốn ASEAN (ACMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều thực hiện việc chấm điểm xếp hạng QTCT cho các nước khu vực ASEAN theo Thẻ điểm QTCT ASEAN.

Theo đó, Báo cáo năm thứ hai về Thẻ điểm QTCT đánh giá cho năm 2013-2014 cho thấy, điểm trung bình QTCT của các DN là 64,02 điểm, tăng 19% so với năm trước đó (53,66 điểm). Mức điểm của các DN Việt Nam thấp nhất trong khu vực với 33,87 điểm; cao nhất là Thái Lan với 75,39 điểm. Trong 2 năm tiếp theo, mức điểm của Thái Lan tiếp tục tăng lên, lần lượt là 84,53 điểm năm 2014 và 87,53 điểm năm 2015.

Một trong những nguyên nhân QTCT tại Thái Lan được đánh giá cao là bởi DN tại đây đã có những thay đổi mạnh, đặc biệt là về quản trị, sau khủng hoảng tài chính năm 1997. Đại diện cho DN Thái Lan, bà Kattiya Indaravijaya, Chủ tịch Kasikorn Bank (KBank) chia sẻ, sau khủng hoảng tài chính, Ngân hàng đã có những thay đổi trong hoạt động, với một trong những điểm nhấn chính là áp dụng QTCT.

Theo đó, Ngân hàng đã khuyến khích HĐQT và những người đứng đầu tìm hiểu các khái niệm và lợi ích của QTCT; đảm bảo sự tồn tại của Ủy ban quản lý rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ; duy trì hiệu quả của chức năng kiểm toán nội bộ và độc lập của kiểm toán viên bên ngoài; thúc đẩy các hoạt động quản trị trong Ngân hàng để tạo văn hóa QTCT…

Bên cạnh thẻ điểm QTCT, kết quả tại Báo cáo QTCT của Hiệp hội QTCT châu Á từ năm 2007 tới năm 2014 đã minh chứng cho những nỗ lực của các DN Thái Lan. Cụ thể, năm 2007, Thái Lan đứng thứ 8 với 47 điểm nhưng đến năm 2012 đã vươn lên vị trí thứ 3 với 58 điểm. Năm 2014, tuy Thái Lan đứng vị trí thứ 4 nhưng vẫn giữ điểm số là 58. Theo TS. Bandid Nijathaworn, Việt Nam không có mặt trong báo cáo này vì các tiêu chí QTCT được đánh giá ở mức quá thấp.

Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam hiện đang đứng thứ 122 trên tổng số 189 nền kinh tế được xếp hạng trên toàn cầu về bảo vệ các nhà đầu tư. Theo bà Nguyệt Anh, chuyên gia QTCT, phụ trách chương trình QTCT của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam, là một quốc gia với chỉ số bảo vệ nhà đầu tư còn yếu kém, QTCT tốt có vai trò quan trọng hơn nữa trong việc hạn chế sự sụt giảm các chỉ số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mang lại sự ổn định cho thị trường vốn và góp phần thu hút các nhà đầu tư.

Thực tế, việc áp dụng các thông lệ QTCT tốt đã có dấu hiệu tích cực hơn tại Việt Nam.

“Kể từ khi Mekong Capital đầu tư vào CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) năm 2007, cơ cấu QTCT đã bắt đầu được kết cấu chặt chẽ hơn. Các cuộc họp tùy hứng giữa các thành viên sáng lập của MWG đã trở thành những cuộc họp định kỳ với chương trình họp rõ ràng và tất cả các thành viên đều được khuyến khích tham gia tích cực. Đồng thời, để tránh mâu thuẫn lợi ích, tất cả các thành viên sáng lập đã thoái vốn khỏi phần lớn các hoạt động kinh doanh riêng”, IFC lấy ví dụ.

Tuy nhiên, số lượng các DN có sự thay đổi như vậy chưa nhiều tại Việt Nam. Theo bà Nguyệt Anh, so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nhanh chóng đẩy lùi khoảng cách tụt hậu, đẩy nhanh hòa nhập khu vực trong việc thực hiện các thông lệ quản trị tốt (ví dụ như các thông lệ của thẻ điểm QTCT cho 6 nước trong khu vực ASEAN). Các cơ quan quản lý nên có sự đầu tư mang tính ưu tiên và tập trung với cam kết đưa các chuẩn mực quản trị quốc tế tốt vào các quy định khung pháp lý (đặc biệt trong những ngành đặc thù như ngân hàng, khu vực kinh tế hay các DN có vốn nhà nước giữ vị trí chi phối).

“Các cơ chế giám sát thực thi tốt đối với các công ty niêm yết và đại chúng nên được tăng cường và việc xử lý các sai phạm cần được thực hiện nghiêm minh để tránh tình trạng rất nhiều công ty đang coi nhẹ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình”, bà Nguyệt Anh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan