Bài học giữ chữ tín với khách hàng

(ĐTCK-online)Ngày 24/7, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, Câu lạc bộ Nước chấm TP.HCM đã tổ chức lễ công bố sản phẩm sạch và an toàn cho 21 đơn vị tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất nước tương sạch. So với 2 tháng trước đây, khi “xì” ra vụ nước tương “đen”, đây là thời điểm các doanh nghiệp (DN) này bước vào giai đoạn mới để khẳng định lại chính mình. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là, mới chỉ có 21 DN công bố trong khi “đội ngũ” sản xuất nước tương ở TP.HCM rất đông đảo.

Điều đầu tiên cần làm sáng tỏ là, công nghệ sản xuất nước tương mới có đồng nghĩa với công nghệ sạch hay không? Trả lời thắc mắc này của phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Chí Nguyện, Tổng thư ký Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết, từ “công nghệ mới” dùng để chỉ quy trình sản xuất nước tương có thành phần 3-MCPD ở mức cho phép. Vì vậy, dùng chữ “sạch” và “an toàn” để nói về công nghệ này... cũng được!

Theo ông Nguyễn Xuân Mai, Viện Vệ sinh y tế công cộng, hiện TP.HCM có khoảng 70 - 80 DN sản xuất nước tương. Như vậy, nếu trừ đi 21 DN vừa mới công bố sản xuất theo công nghệ mới, thì số DN chưa chuyển đổi công nghệ chiếm 2/3. Dẫu biết rằng, trong tổng số nói trên, hiện có một số đơn vị không thuộc Câu lạc bộ Nước chấm TP.HCM và Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, đang áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất. Cũng có vài trường hợp ngoại lệ, đang sử dụng công nghệ lên men cổ truyền, nhưng thành phần 3-MCPD vẫn ở mức cho phép. Tuy nhiên, những DN nằm trong 2 trường hợp trên không nhiều. 

Được biết, sau khi các DN áp dụng công nghệ mới, để đảm bảo chất lượng, Hội Lương thực - Thực phẩm sẽ thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất của họ. Song, điều này không khiến dư luận quan tâm nhất, mà là sau 21 DN trên, đến bao giờ các “chiến hữu” còn lại mới tiến tới sản xuất theo công nghệ mới hoàn toàn? Với câu hỏi này, ông Nguyện cho biết, một số đơn vị đang làm thủ tục để triển khai. Tuy nhiên, số DN ấy chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm và đã xúc tiến việc chuyển đổi công nghệ đến đâu thì ông Nguyện không nắm rõ.

Trong số những DN được công bố trong đợt này, ngoài những tên tuổi “lạ hoắc”, còn có một số thương hiệu quen thuộc như nước chấm Nam Dương, nước chấm Mê Kông... Tất nhiên, vẫn thiếu vắng nhiều gương mặt trong danh sách nước tương “đen” được công bố cách đây hơn một tháng.

Theo ông Nguyện, từ năm 2005, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM đã cảnh báo các DN về hàm lượng chất 3-MCPD trong nước tương và Hội cũng yêu cầu các DN không đảm bảo về an toàn vệ sinh và chất lượng phải ngưng sản xuất. Điều đáng nói, dù đã được cảnh báo trước, nhưng đến nay, vụ việc mới được giải quyết. “Nếu áp dụng công nghệ mới ngay thời điểm đó thì DN sẽ gặp khó khăn về nhiều mặt: vốn đầu tư để chuyển đổi công nghệ, mặt bằng sản xuất, trình độ tay nghề công nhân. Ấy là chưa nói, việc sản xuất nước tương sạch theo công nghệ mới sẽ làm thay đổi khẩu vị người tiêu dùng, vấn đề mà một vài DN đang gặp phải”, ông Nguyện lý giải. Và cái gì đến ắt phải đến, sau “kỳ án” nước tương vừa qua, nhiều DN đã “thất điên bát đảo”, vì phải trả giá cho sự thờ ơ trước sức khỏe của người tiêu dùng.

Để vượt qua khó khăn, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM kết hợp với Câu lạc bộ Nước chấm TP.HCM ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với Viện Phát triển công nghệ và đào tạo, nhằm triển khai bước đầu quy trình sản xuất nước tương sạch cho 21 DN trên địa bàn và các tỉnh khác. Ưu điểm của công nghệ này là vệ sinh an toàn thực phẩm; chu kỳ để ra một mẻ nước tương đáp ứng được yêu cầu về thời gian; khẩu vị đánh giá bằng cảm quan là chấp nhận được, tức đạt khoảng 75% đến 85% so với trước. Điều đáng ghi nhận, không như trước đây, sắp tới, việc cung cấp những thông tin chính xác nhất cho báo, đài và người tiêu dùng thông qua những buổi tọa đàm, hội thảo, họp báo giới thiệu sản phẩm sẽ được Hội này áp dụng triệt để.

Như vậy, đến thời điểm này, các DN bắt đầu thấm thía cái giá phải trả, đồng thời ý thức được bài học xương máu trong việc xây dựng chữ “tín” đối với khách hàng. Đặc biệt, tư duy và quan điểm về cung cấp thông tin cho các cơ quan ngôn luận của Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cũng đã được đổi mới. Vấn đề mấu chốt là, đến bao giờ, những DN còn lại hoạt động trong lĩnh vực này mới chịu đổi mới công nghệ, để cho ra những sản phẩm an toàn với người tiêu dùng? Chừng nào câu hỏi này chưa có đáp án cuối cùng, thì người tiêu dùng vẫn tiếp tục lo ngại.