Trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay, KDC vẫn còn 276,97 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, giảm 83,34 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này vẫn còn nguyên các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết lên đến hơn 2.776,71 tỷ đồng. Song danh sách cổ phiếu niêm yết mà KDC đang sở hữu thì đã được rút ngắn và chỉ còn đạt giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng so với con số 15,35 tỷ đồng của cuối năm 2011.
Trong quý II, KDC đã thoái xong vốn đầu tư tại Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Tâm (Nutifood) và Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn (Tribeco). Nếu như việc rút vốn khỏi Tribeco có lãi chỉ 1,7 tỷ đồng thì việc thoái khỏi Nutifood khiến KDC bị lỗ đến 71,31 tỷ đồng. KDC cũng đã chính thức công bố sáp nhập Công ty bánh kẹo Vinabico để mở rộng thị phần trong ngành bánh kẹo của mình tại Việt
Ai cũng hiểu, ở thời điểm này việc thoái vốn chẳng dễ dàng gì. Nhưng theo ông Phạm Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn, nếu các doanh nghiệp đưa ra một mức giá chấp nhận được thì có thể vẫn tìm được người mua.
Kinh Đô vừa công bố chính thức hợp tác phân phối sản phẩm của Tập đoàn bánh kẹo Ezaki Glico (Nhật) tại thị trường Việt
Trong chiến lược phát triển của mình, dự kiến cuối năm nay KDC sẽ tung ra thị trường sản phẩm dầu ăn và mì gói. Như vậy, không khó để nhận thấy, Kinh Đô đang mở rộng ngành hàng kinh doanh với mục tiêu trở thành công ty thực phẩm hàng đầu trên thị trường.
Theo TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư, trường Đại học kinh tế TP HCM, đầu tư ngoài ngành không hoàn toàn là sai lầm. Khi một doanh nghiệp đã đứng vững trên thị trường, nếu chỉ "cố thủ" ở một ngành kinh doanh chính thì đến một lúc nào đó việc mở rộng sản xuất kinh doanh hơn nữa có thể không thích hợp, vì nhu cầu thị trường chưa gia tăng. Nhưng quan trọng nhất là doanh nghiệp đó mở rộng đến đâu? Việc KDC mở rộng đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm đáng để xem xét, bởi công ty này đã có kinh nghiệm trong sản xuất và phân phối bánh kẹo, cũng là thực phẩm. Đầu tư mở rộng vào những sản phẩm có liên quan sẽ giúp công ty phát triển hơn mà vẫn giữ được thị phần trong ngành truyền thống của mình.
Ngay cả khi đầu tư đúng ngành nghề cốt lõi thì doanh nghiệp cũng phải có guồng máy và con người phù hợp để điều hành, mở rộng quy mô. Vẫn theo chuyên gia nói trên, KDC đi đầu tư vào bất động sản, chứng khoán… thì hệ quả tất yếu là thua lỗ không sớm thì muộn. Bởi KDC không có chút kinh nghiệm nào trong việc quản lý và kinh doanh bất động sản hay chứng khoán.
"Một công ty sữa lại đi đầu tư sản xuất bia thì tôi không nghĩ rằng sẽ đạt hiệu quả vì tôi không thấy có gì liên quan. Một công ty chuyên về dệt lại đòi đi mua mặt bằng để làm showroom thì tôi cũng không tán thành vì kiểu đó giống như đầu tư bất động sản. Nếu công ty dệt đầu tư sản xuất hàng thời trang thì đúng, vì sẽ được ngành nghề chính hỗ trợ", TS. Lê Đạt Chí phân tích.
Bài học kinh doanh có nhiều và cơ bản ai cũng hiểu, khi tham gia vào thị trường, nếu doanh nghiệp thiếu và yếu cả kinh nghiệm, kỹ năng về sản phẩm, đội ngũ nhân sự thì không thể cạnh tranh và tồn tại được. Càng kéo dài việc đầu tư ngoài ngành càng bị thua lỗ nặng nề. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp quá sa đà đầu tư ngoài ngành khiến cho nguồn lực bị phân tán và suy kiệt, dẫn đến ngành nghề sản xuất chính cũng lụi tàn và bị đối thủ khác qua mặt. Bởi vậy, sự chuyển mình của Kinh Đô có thể là một quá trình khó khăn, nhưng đó là xu hướng tất yếu. Các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi những bước đi của Kinh Đô.