BaF Việt Nam (BAF) mua cổ phần một công ty trồng cây cao su ở Đắk Lắk

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF - sàn HOSE) bất ngờ muốn đầu tư vào doanh nghiệp thành lập năm 2009 trong lĩnh vực trồng cây cao su.
BaF Việt Nam (BAF) mua cổ phần một công ty trồng cây cao su ở Đắk Lắk

BaF Việt Nam vừa thông qua kế hoạch nhận chuyển nhượng 2,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 40% vốn điều lệ của Công ty cổ phần sản xuất Rừng Xanh.

Trong đó, BaF Việt Nam sẽ giao cho bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc thực hiện các thủ tục, đồng thời đại diện phần vốn góp tại Công ty cổ phần sản xuất Rừng Xanh.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần sản xuất Rừng Xanh được thành lập ngày 21/8/2009; địa chỉ tại thôn 1, xã Ea H’Leo, huyện Ea E’leo, tỉnh Đắk Lắk; hoạt động trong lĩnh vực trồng cây cao su; và người đại diện pháp luật là Nguyễn Tiến Khởi (sinh năm 1980).

Ngược lại, BAF Việt Nam được thành lập vào năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo, chế biến và cung ứng thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng, hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình Feed - Farm - Food khép kín. Trong đó, nổi bật là hoạt động phát triển hệ thống trang trại heo ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Một điểm đáng lưu ý khác, sắp tới ngày 30/9, BaF Việt Nam sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng bằng văn, thời gian lấy ý kiến dự kiến trong tháng 10/2024. Trong đó, BaF Việt Nam dự kiến trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2024 và nội dung chi tiết chưa được hé lộ.

Điểm đáng lưu ý, BaF Việt Nam chỉ mới niêm yết ngày 3/12/2021 đã liên tục phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 780 tỷ đồng lên 2.390,2 tỷ đồng. Trong đó, ngày 1/7/2024, Công ty đã kết thúc đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:0,476767, tương ứng chào bán hơn 68,4 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động vốn từ cổ đông.

Ngày 25/6, BaF Việt Nam báo cáo kết quả đăng ký phát hành 7.176.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, Công ty chỉ bán được 2.488.000 cổ phiếu và còn “ế” tới 4.688.000 cổ phiếu.

Lý giải việc phát hành cổ phiếu ESOP chiết khấu lớn so với thị trường mà nhân viên không mua, Ban lãnh đạo BaF Việt Nam cho rằng: “Số lượng cổ phiếu ESOP còn lại chưa phân phối hết chủ yếu do là người lao động là các công nhân tại các trang trại từ bỏ quyền mua do chưa có nhiều cơ hội được tiếp cận các thông tin liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán nên không có nhu cầu mua cổ phiếu”.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 2.613,19 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 154,61 tỷ đồng, tăng 11,09 lần so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 6,5%, lên 10,9%.

Trong năm 2024, BaF Việt Nam tiếp tục lên kế hoạch tham vọng với doanh thu tăng 6,6%, lên 5.543,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 893,2%, lên 305,9 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi sau thuế đạt 154,61 tỷ đồng, BaF Việt Nam đã hoàn thành 50,5% so với kế hoạch năm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/9, cổ phiếu BAF đóng cửa giá tham chiếu 19.050 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan