Trụ sở của Vạn Thịnh Phát tại số 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) là một trong những nơi “tập kết” tiền trái phiếu.

Trụ sở của Vạn Thịnh Phát tại số 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) là một trong những nơi “tập kết” tiền trái phiếu.

“Bạch tuộc tung vòi”, 42.000 người bị “bốc hơi” 30.000 tỷ đồng - Bài 5: Trương Mỹ Lan tiêu hàng ngàn tỷ đồng tiền trái phiếu thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Hàng chục ngàn "khổ chủ" bị dụ để móc ruột gan đưa cả tài sản tích cóp cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, còn Trương Mỹ Lan ung dung dùng hàng chục ngàn tỷ đồng vào các việc mờ ám.

Ngay sau tuyên “đại án” Vạn Thịnh Phát - SCB, Bộ Công an phát thông báo lần 2 tìm người bị hại của 25 lô trái phiếu để tiếp tục mở giai đoạn II - Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và các tổ chức liên quan. Được biết, “vòi bạch tuộc” Trương Mỹ Lan hại khoảng 42.000 người với tổng tiền hơn 30.000 tỷ đồng, gây khủng hoảng niềm tin, biến động cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bài 5: Trương Mỹ Lan tiêu hàng ngàn tỷ đồng tiền trái phiếu thế nào?

Nhiều lô trái phiếu được Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) huy động tổng lực cán bộ, nhân viên ở tất cả địa phương vào cuộc “dụ” khổ chủ mua. Còn Trương Mỹ Lan cho tài xế mang ô tô chở hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu về nhà, vung hàng ngàn tỷ đồng cho vay để đổi “sổ đỏ” thế chấp tại SCB, giải ngân cho công ty trong hệ sinh thái.

Khi SCB ra tay tổng lực

Theo hồ sơ của chúng tôi, ngay cả sau khi Bộ Công an bắt Trương Mỹ Lan (tháng 10/2022), SCB vẫn rầm rộ phát động cán bộ, nhân viên trên cả nước thi đua “dẫn dụ” khách mua các lô trái phiếu của doanh nghiệp có liên quan Vạn Thịnh Phát, thông qua các chương trình hoành tráng như “Kết nối sức mạnh - Dẫn lối thành công”; “Giới thiệu hăng say - Nhận ngay thưởng lớn”.

Trong đó, có 2 lô trái phiếu của 2/4 doanh nghiệp mà Bộ Công an đang tìm bị hại, gồm lô trái phiếu mã QT-2018.12.1 trị giá 1.500 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận; lô trái phiếu 20 mã từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20, trị giá 2.000 tỷ đồng của Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TP.HCM (Setra).

SCB còn có cả kịch bản mẫu, đặt ra nhiều tình huống chỉ dẫn nhân viên SCB “dẫn dụ” khách, như sau giải đáp hỗ trợ, xử lý yêu cầu tín dụng bình thường của khách, thì tới bước 3 nên gợi ý: “SCB đang triển khai một sản phẩm đầu tư mới, mang tính an toàn và lãi suất vượt trội, em xin vài phút để chia sẻ cho anh/chị được không ạ”.

Trong giai đoạn II - đại án Vạn Thịnh Phát (vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu và vụ rửa tiền), có tới 22 người đã bị khởi tố.

Trước đó, ngày 7/10/2022, cơ quan công an đã bắt Trương Mỹ Lan; Trương Huệ Vân; Nguyễn Phương Hồng (trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã chết) và Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Trường hợp khách đồng ý nghe, thì nhân viên nói tiếp: “Dạ, hiện tại, SCB có hợp tác với TVSI để giới thiệu đến khách sản phẩm trái phiếu với lãi suất cao, thời gian đầu tư có thể linh hoạt theo nhu cầu sử dụng vốn của anh/chị. Trái phiếu này có 2 loại. Loại thứ nhất có lãi suất vượt trội, lên đến 9,3%/năm, thời gian đầu tư 365 ngày, không chuyển nhượng trước thời gian đầu tư. Loại thứ hai có lãi suất lên đến 9,2%/ năm, thời gian đầu tư linh hoạt, được chuyển nhượng và hưởng lãi suất bậc thang theo số ngày nắm giữ thực tế từ 31 ngày trở lên…”.

Khi khách có nhu cầu, thì ngay lập tức, nhân sự SCB tư vấn (nếu nắm rõ về trái phiếu), hoặc chuyển sang bộ phận khác để tư vấn (nếu không nắm rõ về trái phiếu).

Trường hợp khách không nghe tư vấn, thì nhân viên SCB giới thiệu nhanh các ưu đãi, đặc quyền của sản phẩm đầu tư trái phiếu, rồi nhờ khách lưu số điện thoại của nhân sự để nếu sau đó có nhu cầu thì liên hệ để hỗ trợ.

Thống kê sơ bộ của phóng viên, năm 2022, chương trình thi đua trái phiếu “Khai lộc đầu Xuân” triển khai chỉ 12 ngày đạt doanh số hơn 1.027 tỷ đồng; Chặng 1 của Chương trình “Kết nối sức mạnh - Dẫn lối thành công” triển khai chưa tới nửa tháng đạt gần 3.000 tỷ đồng; Chặng 2 của Chương trình “Kết nối sức mạnh - Dẫn lối thành công” triển khai chưa tới nửa tháng đã thu về hơn 5.700 tỷ đồng.

Thậm chí, tới ngày 31/10/2022, tức hơn 20 ngày sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt, SCB còn triển khai chương trình thi đua “Bản lĩnh dẫn đầu - Thống lĩnh đường đua”.

Trong khi đó, theo Điều 103, Luật Các tổ chức tín dụng, muốn hoạt động môi giới trái phiếu, ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện môi giới chứng khoán thông qua công ty này, chứ không trực tiếp huy động nhân viên, chi nhánh, hội sở trực tiếp đứng ra như SCB.

Với việc thu về hàng ngàn tỷ đồng từ phát hành trái phiếu cho các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát như nêu trên, SCB còn là nơi “trữ” cả tiền trái phiếu, chứ không chỉ tiền từ huy động tín dụng.

Tại thời điểm khởi tố vụ án Vạn Thịnh Phát ngày 17/10/2022, trên hệ thống sổ sách kế toán, tổng số tiền SCB huy động của người dân và vay của các cơ quan, tổ chức khác là 673.586 tỷ đồng. Trong đó, có tới 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá.

Dùng ô tô chở cả trăm ngàn tỷ đồng, gồm cả tiền trái phiếu về “hang ổ”

Theo điều tra của cơ quan công an giai đoạn I - đại án Vạn Thịnh Phát, sổ tay ghi chép và lời khai của Bùi Văn Dũng (tài xế của Trương Mỹ Lan), Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan) và Trần Thị Thúy Ái (kiểm soát viên ngân quỹ SCB Chi nhánh Sài Gòn) từ ngày 26/2/2019 đến ngày 12/9/2022 cho thấy, khi cần dùng tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Dũng vận chuyển tiền từ SCB về “hang ổ” là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại số 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1 TP.HCM) hoặc về Hầm Bl, Tòa nhà Sherwood (127 - Pasteur, quận 3, TP.HCM).

Theo Bản án sơ thẩm số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của Tòa án Nhân dân TP.HCM, Hội đồng Xét xử yêu cầu SCB, sau khi xử lý 1.122 mã tài sản để thu hồi nợ, phần giá trị tài sản còn lại (nếu có), phải phối hợp với C03 để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của bà Lan, thì dùng toàn bộ phần còn lại đó để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo trong cả giai đoạn II của vụ án.

Hàng trăm tỷ đồng mà các tổ chức, cá nhân đã hoàn trả hoặc sẽ phải nộp cũng để đảm bảo nghĩa vụ của Trương Mỹ Lan trong cả giai đoạn I và II, như hơn 2.882 tỷ đồng mà Công ty Quốc Cường Gia Lai đã nhận từ Trương Mỹ Lan; Công ty Phú An, bà Phan Thị Phương Thảo nộp lại số tiền 145,26 tỷ đồng và 1.000 lượng vàng SJC; Công ty TNHH một thành viên Phát triển và Kinh doanh nhà hoàn trả số tiền 400 tỷ đồng; Công ty cổ phần T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền hơn 6.095 tỷ đồng…16 bất động sản tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM (Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển) đang bị kê biên được giao C03 tiếp tục điều tra làm rõ để giải quyết trong giai đoạn II của vụ án.

Sau đó, số tiền trên được đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, để trả nợ tiền mua các bất động sản, mua cổ phần các dự án và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác.

Số tiền “khủng” trên không chỉ có nguồn từ khoản vay tín dụng của SCB, mà còn từ nguồn phát hành trái phiếu.

Vì vậy, tại Bản án sơ thẩm số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của Tòa án Nhân dân TP.HCM công bố sau xét xử giai đoạn I - đại án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng Xét xử đề nghị Cục C03, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn II, tiếp tục xác minh làm rõ việc sử dụng 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD, đồng thời làm rõ các sai phạm có liên quan (nếu có) để có căn cứ xem xét xử lý khi giải quyết vụ án trong giai đoạn II.

Cho mượn hơn 2.355 tỷ đồng từ trái phiếu để đổi sổ đỏ đi… thế chấp

Năm 2003, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) được UBND tỉnh Long An chấp thuận cho đầu tư Dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa, diện tích hơn 324 ha tại huyện Đức Hòa (Long An), nên đã ký thỏa thuận khung hợp tác với Công ty China Policy Limited (gọi tắt là CPL) để liên doanh cùng thực hiện dự án này.

Sau đó, hai bên có mâu thuẫn và Công ty CPL đã khởi kiện Công ty Hồng Phát tại Trung tâm trọng tài VIAC.

Ngày 18/12/2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An ra quyết định tạm dừng việc đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản liên quan 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do Công ty Hồng Phát có tranh chấp với Công ty CPL.

Tới năm 2019, Trương Mỹ Lan đã cho Công ty Hồng Phát vay hơn 2.355 tỷ đồng - tiền từ huy động trái phiếu. Đổi lại, bà Lan yêu cầu Công ty Hồng Phát phải dùng tài sản là 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên để thế chấp cho các công ty của Trương Mỹ Lan vay tiền tại SCB.

Tại Bản án sơ thẩm số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của Tòa án Nhân dân TP.HCM, Hội đồng Xét xử tuyên việc thế chấp tại SCB 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên không đúng quy định pháp luật; buộc Công ty Hồng Phát phải nộp lại số tiền hơn 2.355 tỷ đồng; SCB phải hoàn trả 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Hồng Phát.

Tất nhiên, việc chi tiêu hàng ngàn tỷ đồng từ huy động trái phiếu trên chỉ là con số nhỏ và mới được làm rõ phần nào. Hơn 30.000 tỷ đồng của 4 doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát, được Trương Mỹ Lan và cá nhân, tổ chức liên quan sử dụng ra sao, sẽ được cơ quan chức năng làm rõ.

Khi loạt bài này kết thúc, chúng tôi lại nhận được khẩn cầu mong trở thành bị hại của hàng trăm “khổ chủ” trái phiếu cũng liên quan Vạn Thịnh Phát, như trái phiếu các công ty Vạn Trường Phát, Tân Thành Long An, Quang Thuận, Thiên Phúc. “Khổ chủ” khẩn cầu cơ quan chức năng vào cuộc, để họ được thành… bị hại như trái chủ 25 gói trái phiếu của 4 công ty mà Bộ Công an đã khởi tố và đang tìm bị hại. Lý do là, hàng loạt công ty trên hoặc bặt vô âm tín, hoặc không trả lãi, không mua lại theo quy định, khiến trái chủ điêu đứng từ năm 2022 đến nay.

Tin bài liên quan