Theo đó, Thế giới Di động, đơn vị vận hành chuỗi Bách hóa Xanh (BHX) vừa có văn bản liên quan tới cung cấp hàng hóa thiết yếu mùa dịch.
Cụ thể, tại TP.HCM sau khi áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhu cầu tiêu thụ hàng tươi sống tăng đột biến, BHX đã tăng cường 200% đến 400% công suất vận hành để cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng tại khắp các tỉnh, thành.
Về việc giá một số mặt hàng tăng và chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (chưa cập nhật giá niêm yết kịp thời, tính tiền nhầm, cân sai, thái độ phục vụ chưa tốt…) tại một số cửa hàng BHX, Thế giới Di động cho biết, đang rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành và tìm kiếm giải pháp xử lý.
Doanh nghiệp này cũng cho biết, quyết định hành động hướng đến việc kiểm soát giá bán.
Cụ thể, tăng thêm mã sản phẩm trong danh mục hàng hóa thiết yếu cam kết giữ giá bán cố định đã đăng ký với Sở Công thương TP.HCM. Bán hàng có giới hạn số lượng để đảo đảm nhiều người mua được hàng và tránh tình trạng “đầu cơ-thu gom sỉ”.
Nỗ lực cao để làm việc với nhà cung cấp để giữ giá mua vào không tăng lên bất hợp lý.
Đối với trường hợp sản phẩm có giá mua vào tăng bất hợp lý, BHX sẽ nỗ lực chuyển hướng mua các sản phẩm khác thay thế hoặc nhanh chóng tìm kiếm nhà cung cấp và vùng trồng mới để giảm áp lực cung ứng.
Trong trường hợp mọi giải pháp kiểm soát giá mua vào không mang lại kết quả, BHX sẽ chủ động giảm sản lượng hoặc tạm ngưng kinh doanh ngắn hạn các mặt hàng cho đến khi giá mua vào quay về mức hợp lý (không mua bằng mọi giá).
Ngoài ra, BHX sẽ thiết lập nhiều trung tâm phân phối hàng tươi sống cơ động trước các cửa hàng BHX lớn và dùng xe máy chuyển đến các cửa hàng BHX khác để đáp ứng nhu cầu; mở 35 điểm bán xuyên đêm phục vụ 24/24; chuẩn bị đưa nhu yếu phẩm về bán tại tất cả các cửa hàng của chuỗi nhà thuốc An Khang; điều động hơn 3.000 nhân sự từ chuỗi Thế giới Di động/Điện Máy Xanh qua làm việc tại BHX; tăng cường hoạt động bán hàng online để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; nỗ lực duy trì hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn tại cửa hàng BHX trong khu vực bị phong tỏa.
"Chúng tôi khẳng định Bách Hoá Xanh không có chủ trương tăng giá bán để gia tăng hiệu quả lợi nhuận. Bách Hóa Xanh đang nỗ lực tìm mọi cách để tăng sản lượng và kiểm soát giá bán trong bối cảnh giá mua vào và chi phí toàn chuỗi cung ứng tăng cao", Thế giới Di động khẳng định.
Chuỗi Bách Hóa Xanh kỳ vọng có lãi năm 2021 nhưng đang chịu phản ứng vì tăng giá mùa dịch
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7, cổ phiếu MWG giảm 11.600 đồng, tương ứng giảm 6,9% về 156.500 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, ngày 22/06/2021, Bách Hóa Xanh đã có văn bản gửi đến các đối tác mặt bằng khi đại dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp. Trong văn bản, Bách Hóa Xanh đề nghị giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm, để chia sẻ khó khăn, dù tất cả cửa hàng Bách Hóa Xanh đều hưởng lợi kinh doanh trong đại dịch.
Sáng 17/7, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP. Sóc Trăng bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.
Hiện, Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính vụ việc, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.
Chiều tối 18/7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa lập biên bản một cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn vì lỗi Bán hàng không niêm yết giá và bán giá cao hơn niêm yết.
Quyết định được đưa ra sau khi vào chiều cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Ngô Quyền, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột.