Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế. Trong ảnh: TP. Đà Nẵng, một địa phương có mức tăng trưởng cao trong Vùng
Tiền đề cho sự phát triển đột phá
Với chủ đề “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững”, Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vùng, dự kiến tổ chức vào ngày 5/2 tại Bình Định.
“Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Đây là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là Chiến lược Phát triển bền vững về kinh tế biển”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trao đổi trước thềm Hội nghị.
Hội nghị, có thể nói, chính là sự khai mở vận hội mới, cơ hội mới cho sự phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Còn nền tảng, tiền đề cho sự phát triển của toàn Vùng chính là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết này.
Trên thực tế, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Khóa IX về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, diện mạo, kinh tế - xã hội của toàn vùng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2025-2020 đạt 7,3%, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của Vùng vào năm 2020, theo giá hiện hành, đã tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004. Nhiều địa phương trong Vùng như Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa… đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng được cải thiện, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt…
Nhưng hạn chế, khó khăn, thách thức vẫn còn đó. Khi Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị được tổ chức vào tháng 11/2022, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước.
“Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Hạn chế, bất cập này chính là nguyên nhân cơ bản để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW. Quyết tâm thực hiện Nghị quyết, nhằm đưa Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò vị trí chiến lược của Vùng, Chính phủ đã ban hành một chương trình hành động, với tư duy mới, tầm nhìn mới.
Theo đó, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó bao gồm hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển..., đã được ban hành. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
“Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù… Đây sẽ là cơ sở và cơ hội cho Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Chìa khóa là phát triển kinh tế biển và liên kết vùng
Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW lấy chủ đề là “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững”. Một cách rất rõ ràng, để Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phát triển đột phá, “chìa khóa” chính là kinh tế biển và liên kết vùng.
“Hiện nay, tiềm năng, lợi thế của Vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý, phát huy có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Kinh tế - xã hội Vùng mới chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang tính tổng thể dấu ấn của toàn vùng”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói và cho biết, các cực tăng trưởng, trung tâm phát triển và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng chưa thể hiện rõ vai trò là động lực tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế Vùng.
Một số địa phương trong Vùng trong thời gian qua đã tận dụng được các lợi thế này để phát triển, với giá trị các ngành kinh tế biển đóng góp với tỷ lệ cao trong tổng GRDP. Chẳng hạn, Khánh Hòa đạt khoảng 80%, Thanh Hóa khoảng 46%, Hà Tĩnh trên 30%, Quảng Ngãi khoảng 86%...
Nhưng không thể phủ nhận, dấu ấn liên kết vùng còn yếu. Thậm chí, đã từng có giai đoạn, chuyện cạnh tranh lẫn nhau, mạnh ai nấy làm, tỉnh nào cũng muốn phát triển sân bay, bến cảng đã “níu” đà đột phá đi lên của toàn Vùng.
“Phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước. Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước. Phải tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.
Trên thực tế, càng ngày các địa phương trong Vùng càng hiểu rằng, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.
“Để tạo động lực thúc đẩy liên kết phát triển vùng, cần sớm ban hành quy hoạch vùng; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, sớm cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nói.
Theo ông Hưng, để đẩy mạnh liên kết vùng và phát triển kinh tế biển, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông theo trục Bắc - Nam, như tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cũng cần ưu tiên nguồn lực, mở rộng đường Hồ Chí Minh phục vụ phát triển khu vực phía Tây, cũng như quan tâm đầu tư các trục giao thông theo hướng Đông - Tây, hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây để kết nối với các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng nhằm sử dụng hiệu quả các cảng biển trong vùng làm cửa ngõ ra vào cho hàng xuất nhập khẩu từ Myanmar, Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Trong khi đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Lê Trường Lưu, để thúc đẩy liên kết vùng, cần sớm hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội; các ngành, lĩnh vực ưu tiên; các công trình trọng điểm, dự án lớn nhằm phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết vùng; thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế Vùng.
Khơi nguồn lực để phát triển đột phá
Nghị quyết 26/NQ-TW và Chương trình hành động của Chính phủ đều đặt ra mục tiêu tham vọng là đến năm 2030, đưa Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại... Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh và bền vững; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững...
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng 2,5 - 3 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/năm, kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%. Thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20 - 25% cả nước...
Điểm tựa cho sự phát triển của toàn Vùng chính là ý chí, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị. Nhưng quan trọng, bên cạnh thể chế, chính sách, cần khơi thông được nguồn lực cho sự phát triển đột phá.
Thực tế, những năm qua, đây là một trong những vùng kinh tế nhận được nguồn lực đầu tư khá lớn. Trong giai đoạn 2005-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Vùng đạt 4.463.780 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 1.113.750 tỷ đồng (chiếm 24,88%). Đây cũng là vùng thu hút được một nguồn lực đầu tư nước ngoài không nhỏ, với khoảng 651.700 tỷ đồng (chiếm 13,97% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) của 2.104 dự án.
Nhờ nguồn lực lớn này, nhiều dự án có vai trò động lực đã được triển khai, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng. Đáng chú ý, có thể kể đến Dự án Lọc dầu Dung Quất, với tổng mức đầu tư 1,297 tỷ USD; Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (FHS), với tổng vốn đầu tư 12,787 tỷ USD; hay Trung tâm công nghiệp Ô tô và Logistics ở Chu Lai; Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, quy mô 9 tỷ USD…
Đáng tiếc, một số dự án như Lọc dầu Vũng Rô, Lọc dầu Nhơn Hội, Dự án Khai thác mỏ tại Thạch Khê... đã bị thu hồi. Nếu không, kinh tế - xã hội toàn Vùng còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Muốn kinh tế phát triển nhanh, phải có được các dự án động lực và khơi thông được nguồn lực đầu tư. Đây là điều luôn được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định. Bởi thế, trong các hội nghị công bố chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế, luôn có “ba trong một”. Một là công bố chương trình hành động, hai là triển lãm ảnh và ba là hội nghị xúc tiến đầu tư vùng. Lần này cũng vậy.
“Việc Hội nghị Xúc tiến đầu tư được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn Vùng. Đây chính là những hành động cụ thể, điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược đặt ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW được hiện thực hóa”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Theo dự kiến, tại Hội nghị sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hàng tỷ USD sẽ được cam kết đổ vào Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, mang đến cơ hội phát triển mới cho vùng đất này.