Bạc Liêu: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến ngày 14/7/2022, tỉnh Bạc Liêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 32,15% kế hoạch.
Quảng trường Hùng Vương, thành phố Bạc Liêu

Quảng trường Hùng Vương, thành phố Bạc Liêu

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 14/7/2022, vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giải ngân được 1.050,9/3.268,4 tỷ đồng, đạt 32,15% kế hoạch.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chưa đạt theo yêu cầu, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, nguyên nhân là do nhiều dự án mới phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2021 và hiện nay đang trong quá trình lập dự án đầu tư nên chưa có nhu cầu về vốn.

Các dự án khởi công mới năm 2022 (dự án triển khai thiết kế 2 bước) đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thiết kế - dự toán, lập phương án giải phóng mặt bằng và tổ chức lựa chọn nhà thầu, thời gian chuẩn bị từ 6- 9 tháng, nhất là các công trình dân dụng thời gian thiết kế - lập dự toán chi tiết thường mất nhiều thời gian, kéo dài.

Các dự án chuyển tiếp thì theo quy định các gói thầu thi công có khối lượng thì ưu tiên thanh toán thu hồi số vốn đã tạm ứng theo hợp đồng, rồi mới tiếp tục giải ngân số vốn được giao trong năm 2022.

Đặc biệt, đối với dự án mua sắm trang thiết bị, nhất là thiết bị y tế đang gặp khó trong việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, có nhiều cố gắng trong chỉ đạo điều hành, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, giá vật tư, vật liệu và nhiên liệu trong những tháng đầu năm 2022 đều tăng trên 10% và tình trạng khan hiếm hàng tiếp tục diễn ra nhất là cát san lấp… dự báo sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các nhà thầu thi công, nhất là các gói thầu đang áp dụng hình thức trọn gói và theo đơn giá cố định.

Để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022, tỉnh Bạc Liêu sẽ thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn.

Đối với số vốn dự phòng chưa giao chi tiết, tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương phối hợp các chủ đầu tư, các ngành có liên quan rà soát những dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư đủ điều kiện phân bổ vốn, cũng như tiến độ của các dự án đang thực hiện, trình UBND tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung hết vốn được giao.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần tập trung triển khai thực hiện quyết liệt từng khâu của dự án theo tinh thần chỉ đạo UBND tỉnh tại văn bản số 543/UBND-KT ngày 25/2/2022, quyết tâm và tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, nhằm đạt tỷ lệ giải ngân chung của cả tỉnh đạt 100% kế hoạch được giao, nhất là các dự án sử dụng nguồn ODA.

Tin bài liên quan