Bac A Bank: Xây thế hệ doanh nghiệp bền vững quanh ngân hàng

Bac A Bank: Xây thế hệ doanh nghiệp bền vững quanh ngân hàng

(ĐTCK) Để chọn con đường riêng cho mình, Bac A Bank đã nghiên cứu mô hình ngân hàng và công ty tài chính là hạt nhân với một hệ thống các DN hoạt động xung quanh. Đó là chia sẻ của TS. Võ Văn Quang - Phó tổng giám đốc Bac A Bank với ĐTCK. 

Quan điểm của ông về phương thức kinh doanh của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay?

Các NHTM cổ phần, kể cả NHTM quốc doanh ở Việt Nam sau khi được thành lập thường hoạt động theo phương thức truyền thống, tức là hoạt động đi vay (huy động vốn) để cho vay, làm dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và kinh doanh ngoại tệ là chủ yếu. Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã bước sang một số lĩnh vực dịch vụ mới và tư vấn, nhưng cũng chỉ dừng lại ở nghiệp vụ tư vấn tài chính đơn thuần. Cho nên, tuy mỗi ngân hàng có một chiến lược kinh doanh riêng, có thương hiệu riêng, nhưng nhìn chung, hoạt động của các ngân hàng gần như giống nhau.

Những hoạt động này là nguồn thu nhập chủ yếu của ngân hàng và có thời điểm khả năng sinh lời rất cao, nhưng về bản chất các hoạt động này của ngân hàng hoàn toàn bị chi phối bởi sức khỏe của nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mới đáp ứng được nhiệm vụ là phục vụ nhu cầu của nền kinh tế mà không thực hiện được nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của hệ thống tài chính, ngân hàng là định hướng cho nền kinh tế và phải có những tác động mạnh mẽ để phát triển kinh tế nước nhà.

Chính vì thế, khi nền kinh tế bị khủng hoảng, suy thoái, thì hoạt động của các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng trước tiên, thậm chí là mất phương hướng, bởi các DN khó khăn sẽ kéo theo việc giao dịch về tiền bị giảm. Các hoạt động vay và cho vay bị ngưng trệ, hoạt động của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng chậm lại và giảm sút nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến nền kinh tế.

Bac A Bank chọn nông nghiệp là lĩnh vực tư vấn đầu tư ưu tiên hàng đầu

Là một NHTM cổ phần trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, liệu Bac A Bank có điểm gì là khác biệt trong phương thức kinh doanh của mình?

Để chọn con đường cho mình, ngay từ khi được thành lập, Bac A Bank đã nghiên cứu mô hình sản xuất của các tập đoàn kinh tế nước ngoài, đặc biệt ở các nước châu Á như Nhật Bản. Các mô hình sản xuất của các tập đoàn kinh tế của Nhật Bản cho thấy, ngân hàng và công ty tài chính là hạt nhân, xung quanh nó là một hệ thống các DN hoạt động xung quanh ngân hàng. Bên cạnh đó, Bac A Bank xác định phải làm gì khác các ngân hàng hiện nay đang làm. Cụ thể, ngoài nghiệp vụ nhận gửi tiền, cho vay, các dịch vụ thông thường thì Bac A Bank phải có tác động thiết thực đến nền kinh tế, chứ không chỉ phục vụ đơn thuần nền kinh tế.

Do vậy, Bac A Bank đã quyết định bước vào lĩnh vực tư vấn tài chính và tư vấn đầu tư cho các DN, nhất là DN ứng dụng công nghiệp cao trong nông nghiệp và nông thôn. Bởi lẽ, Việt Nam là nước có truyền thống và rất nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp với hơn 69,83% dân số sống tại khu vực nông thôn, chiếm 48,7% toàn bộ lực lượng lao động, diện tích đất đai dành cho nông nghiệp gần 26 triệu héc-ta, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hơn 1 triệu héc-ta, đó là những lợi thế do thiên nhiên ban tặng.

Kết quả của việc tư vấn tài chính và tư vấn đầu tư cho các DN, nhất là DN ứng dụng công nghiệp cao trong nông nghiệp và nông thôn của Bac A Bank thời gian qua như thế nào?

Việc mạnh dạn lựa chọn nông nghiệp là lĩnh vực tư vấn đầu tư ưu tiên hàng đầu đã mang lại những thành công nhất định. Điển hình là Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại tỉnh Nghệ An”. Dự án có tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD trên tổng diện tích 37.000 héc-ta, với tổng đàn bò gồm 137.000 con. Dự án đã áp dụng công nghệ của các nước tiên tiến trên thế giới, công nghệ Afifarm của Irseal trong công tác quản lý, công nghệ xử lý nước Afimad, công nghệ chế biến sữa Tetra park của Thụy Điển, công nghệ xử lý phân, nước thải của Nhật Bản và Đức.

Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 với 45.000 con bò trên diện tích 8.100 héc-ta, mức đầu tư gần 400 triệu USD. Doanh thu năm 2012 là 2.000 tỷ đồng, năm 2013 là 3.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2014 là 5.000 tỷ đồng, năm 2015 là 8.000 tỷ đồng. Nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á có công suất 500 triệu lít/năm đã được hoàn thành đưa vào sử dụng từ ngày 9/7/2013.

Từ những thành công trong hoạt động tư vấn đầu tư và tư vấn tài chính cho các DN ứng dụng công nghệ cao, Bac A Bank rút ra những kinh nghiệm gì?

Bac A Bank tư vấn cho DN đầu tư vào nông nghiệp nên sản xuất cái gì, mặt hàng nào, nhằm tránh tình trạng sản xuất cái thị trường đã có mà không sản xuất cái thị trường cần; tư vấn về cách thức thực hiện, chuẩn bị các điều kiện thực hiện (đất đai, nước...), lựa chọn kỹ thuật, công nghệ... Như vậy, Ngân hàng sẽ đồng hành cùng với DN ở tất cả các khâu của chu trình sản xuất.

Bac A Bank tư vấn cả quá trình sản xuất: xây dựng một chuỗi khép kín liên hoàn từ chọn giống cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng nguyên liệu đến việc sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. DN nông nghiệp sẽ ổn định được đầu vào, chủ động được đầu ra và làm chủ thị trường tiêu thụ tránh được tình trạng mà hầu hết người nông dân đang gặp phải là làm ra sản phẩm nhưng lại không có thị trường tiêu thụ, dẫn đến bị ép giá.

Trong quá trình cấp tín dụng, sắp xếp vốn cho DN, Bac A Bank  là đơn vị tư vấn lập báo cáo dự án đầu tư do vậy hơn ai hết hiểu được bản chất tài sản đảm bảo gồm hàm lượng chất xám, hàm lượng khoa học được kết tinh trong các khoản mục chi phí tư vấn rất lớn và các dòng tiền huy động quyết định hiệu quả của dự án, nếu dòng tiền này bị ngừng trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện. Đây cũng chính là khâu cốt lõi, là quyết định thành bại của dự án.

Về tư vấn về chính sách, Bac A Bank tư vấn cho các DN biết cách vận dụng và thực hiện đúng quy định của pháp luật, các nghị quyết. Tranh thủ sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, sự đồng lòng tuyệt đối của người dân để đưa cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ của toàn Đảng mà là của toàn dân cùng thực hiện.

Tư vấn cho các DN sử dụng hiệu quả các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước trong nông nghiệp nói chung và ứng dụng công nghệ cao nói riêng...

Từ những kết quả đã đạt được, Bac A Bank có kiến nghị gì để mô hình này được nhân rộng trên cả nước?

Thứ nhất, xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá, xếp loại các sản phẩm, DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để được hưởng các cơ chế đặc thù của Nhà nước như: vốn, thuế, đất đai... và để phân biệt các sản phẩm, DN thông thường.

Thứ hai, xây dựng cơ chế cho vay đặc thù, xuất phát từ tính đặc thù của các dự án ứng dụng công nghệ cao, đó là cần nguồn vốn nhiều, quy mô lớn, thời gian thực hiện kéo dài nên thu hồi vốn lâu.

Thứ ba, tạo thuận lợi về tài sản thế chấp của dự án. Thực tế, các dự án ứng dụng công nghệ cao hiện nay hàm lượng chất xám, hàm lượng khoa học được kết tinh trong các khoản mục chi phí tư vấn rất lớn, nhưng theo quan điểm về tài sản đảm bảo thì khi đang thực hiện dự án các khoản chi phí này lại không được hạch toán vào tài sản để thế chấp cho khoản vay.

Thứ tư, được tiếp cận các nguồn vốn cho vay tái đầu tư của NHNN và các tổ chức nước ngoài, bên cạnh đó, được ưu tiên về tỷ lệ dự trữ bắt buộc và không phải trích lập dự phòng rủi ro.

Ngoài ra, cần thu hồi diện tích đất của các nông lâm trường hoạt động kinh doanh không hiệu quả, diện tích đất chưa sử dụng để tích tụ lại giao cho các DN đủ năng lực thực hiện dự án.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan