Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2022.
Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2022, khi hạn chế đi lại được nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lãnh đạo doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam.
Theo ông Michael Kokalari, khả năng phục hồi dòng vốn FDI của Việt Nam xuất phát từ 3 yếu tố chính.
Thứ nhất, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và một số tổ chức khác, lương công nhân ở Việt Nam thấp hơn khoảng 2/3 so với Trung Quốc, nhưng chất lượng lao động tương đương với Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa lý gần chuỗi cung ứng của châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghiệp công nghệ cao.
Thứ ba, Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối mặt với các vấn đề cơ cấu, buộc phải đầu tư ra nước ngoài, mà Việt Nam được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp hai nước này.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đối mặt với tình trạng kinh tế “trì trệ trường kỳ”, chủ yếu do dân số suy giảm. Dân số Nhật Bản bắt đầu suy giảm nghiêm trọng những năm 90 của thế kỷ trước và người Nhật phản ứng với triển vọng kinh tế u ám của đất nước vào thời điểm đó bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào Đông Nam Á.
Dân số Nhật Bản sẽ chưa thể cải thiện trong tương lai gần, nên các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư ra nước ngoài trong nhiều năm tới. Dòng vốn đầu tư “cơ cấu” mạnh mẽ từ Nhật Bản vào Việt Nam hàng năm phản ánh thực tế là người Nhật phải đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam là quốc gia hấp dẫn nhất để các công ty này rót vốn. Đó là kết quả của khảo sát về các nhà đầu tư nước ngoài Nhật Bản do Deloitte công bố trong năm 2021.
Trong khi đó, vấn đề dân số của Hàn Quốc còn nghiêm trọng hơn so với Nhật Bản, nên chắc chắn, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong nhiều năm tới. Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và dân số đang già đi với tốc độ nhanh hơn so với Nhật Bản (dân số của Hàn Quốc bắt đầu suy giảm nhanh chóng vào khoảng năm 2015 - khoảng thời gian mà các khoản đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng nhanh).
Ngoài 3 yếu tố trên, việc ngày càng nhiều công ty đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc cũng góp phần làm tăng sức hút đầu tư của Việt Nam.
Điều kiện hoạt động của các công ty FDI tại Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất trên thế giới theo đuổi chiến lược “Zero Covid”. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện gần đây của Trung Quốc có vẻ sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai do thiếu nước trầm trọng phục vụ sản xuất điện ở miền Nam nước này.
Cuối cùng, tất cả các yếu tố trên giải thích vì sao dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn giữ mức ổn định trong 2 năm qua. Và các yếu tố này cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI trong năm 2022. Theo đó, có 3 điểm nhấn chính trong năm 2021 cũng sẽ hỗ trợ dòng vốn trong năm nay.
Một là, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận loại bỏ nguy cơ Việt Nam bị gắn mác là “nước thao túng tiền tệ” trong tương lai, giúp các công ty đa quốc gia tự tin hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Hai là, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam đạt tốc độ nhanh chóng, mang lại niềm tin cho các công ty nước ngoài về cam kết của Chính phủ Việt Nam để duy trì sự cân bằng thận trọng giữa sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế với chiến lược “sống chung với virus SARS CoV-2” mà Việt Nam đã theo đuổi từ tháng 10/2021.
Ba là, việc Tập đoàn LEGO thông báo đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một trong những nhà máy lớn nhất của Công ty tại Việt Nam sẽ kích thích thêm dòng vốn FDI vào Việt Nam trong tương lai.