Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, có 3 yêu cầu quan trọng cần hướng tới ở lần sửa đổi đạo luật vô cùng quan trọng này.
Thưa đại biểu, một trong những vấn đề mà phiên thảo luận nào tại Quốc hội cũng còn ý kiến khác nhau là cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cá nhân ông khi phát biểu tại kỳ họp đầu tiên về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được trình Quốc hội ở Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) cũng đã nhận định: việc hạn chế các dự án thuộc danh mục Nhà nước thu hồi đất và mở rộng cơ chế thỏa thuận chắc chắn sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước, giảm hiệu quả sử dụng đất. Đến nay, Điều 79 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia cũng đã có thay đổi rất nhiều so với dự thảo đầu tiên. Ông nhận xét thế nào về sự thay đổi này?
Cá nhân tôi cho rằng, sự thay đổi theo hướng mở rộng này là phù hợp. Việc mở rộng các đối tượng dự án sử dụng đất thuộc diện Nhà nước thu hồi như dự thảo mới nhất sẽ giải quyết được thực trạng chậm trễ có được mặt bằng và đảm bảo công bằng trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, sẽ là lý tưởng nếu như dự thảo lần này bổ sung thêm một hình thức mới về quyền sử dụng đất ở: đó là quyền sử dụng đất ở có thời hạn. Và quyền sử dụng đất ở đối với các trường hợp có nguồn gốc từ việc Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, phi nông nghiệp phát sinh kể từ khi luật mới ban hành sẽ chủ yếu là quyền sử dụng đất ở có thời hạn. Đồng thời, đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất, thì nên giao đất, cho thuê đất thông qua phương án đấu giá quyền sử dụng đất.
Ở dự thảo ngày 27/7 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham vấn ý kiến chuyên gia, liên quan đến dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng, Điều 79 đưa ra 2 phương án về xác định tiêu chí thu hồi và thực hiện đấu giá, đấu thầu. Theo Phương án 2, dự án dưới 10 ha và có sử dụng đất ở là trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có. Ông thấy quy định này có thể đi vào cuộc sống được không?
Quy định này hay ngược lại thì cũng sẽ đều đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, cần phải hình dung là, nếu quy định như vậy, sẽ có nhiều dự án nhà ở thương mại chuyển đổi từ các khu đất nông nghiệp, phi nông nghiệp sang đất ở mà không qua hình thức đấu giá được thực hiện. Tính minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất có thể sẽ giảm. Do vậy, đây là yếu tố cần cân nhắc.
Vậy nếu theo Phương án 1, quy định theo hướng giao HĐND cấp tỉnh quyết định dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu dựa trên các nguyên tắc: bảo đảm hiệu quả sử dụng đất; khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quỹ đất hiện có tại địa phương; nhu cầu thu hút đầu tư của địa phương; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện, theo ông có khả thi hơn không?
Việc giao HĐND cấp tỉnh quyết định dự án thu hồi tại điểm e, g trong Dự thảo cũng tương tự như quy định pháp luật đất đai hiện hành về thẩm quyền quyết định dự án thuộc diện thu hồi đất. Quy định này đang phù hợp.
Phát biểu ở Quốc hội, ông từng đề nghị, lần sửa đổi này, cần bổ sung trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án thuộc diện thỏa thuận mà đã đạt 80% về diện tích. Đây cũng là quan điểm của nhiều vị đại biểu khác. Nhưng Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới nhất không thể hiện quy định này. Vậy theo đại biểu, cần có những quy định cụ thể nào để cơ chế tự thỏa thuận không làm chậm sự phát triển của đất nước, như ông từng nhận xét?
Cá nhân tôi vẫn giữ quan điểm này.
Sẽ rất có ý nghĩa nếu Luật Đất đai lần này đạt được 3 yêu cầu quan trọng: đưa đất đai trở lại chức năng chính là tư liệu sản xuất, mà không phải là hàng hóa - tài sản được đầu cơ, tăng giá liên tục như vừa qua ở nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới, là căn nguyên quan trọng dẫn đến khủng hoảng thị trường tài chính theo chu kỳ; người nông dân có ruộng sản xuất - như khẩu hiệu “Người cày có ruộng” mà Đảng ta và Bác Hồ đã đưa ra khi kêu gọi nhân dân vùng lên giành chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam năm 1945; mọi người dân đều được đảm bảo chỗ ở phù hợp với thu nhập của mình - mục tiêu mà đất nước ta cần phải hướng tới.
Để có thể đạt được 3 yêu cầu đó, cần phải có một khái niệm mới, đó là quyền sử dụng đất ở có thời hạn. Sửa đổi Luật Đất đai lần này đang đứng trước cơ hội lịch sử để có thể giúp đất nước và nhân dân ta sớm đạt được 3 yêu cầu, mong ước nêu trên.