Tuy nhiên, có một thực tế là đa phần các bạn trẻ khởi nghiệp thường chỉ lo chiến lược kinh doanh và phát triển thương hiệu, quên đi vấn đề pháp lý bảo vệ doanh nghiệp và ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Để khắc phục những vướng mắc về pháp lý khi khởi nghiệp, theo luật sư Bùi Tiến Long, Công ty luật Tín & Tâm, doanh nhân khởi nghiệp phải nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của luật sư trong quá trình hoạch định kế hoạch kinh doanh khởi nghiệp của mình. Luật sư là những người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp qua mỗi giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn khởi nghiệp.
Thứ nhất, soạn thảo và ký kết thỏa thuận hợp tác (thỏa thuận thành viên/cổ đông), các văn bản cam kết hay thỏa thuận khác giữa các thành viên sáng lập, nhằm định hướng và đưa ra kế hoạch hợp tác cụ thể, cũng như đảm bảo quyền lợi và công sức đóng góp của các thành viên theo nguyên tắc công bằng và các bên đều có lợi.
Thứ hai, tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư chuyên nghiệp về việc đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các ý tưởng của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan đến lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu kinh doanh và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong từng giai đoạn sau thành lập; các vấn đề pháp lý sau thành lập như các hình thức huy động vốn và chào bán chứng khoán ra công chúng (IPO), thuê mua tài sản, thuế...
Đặc biệt, đối với vấn đề bảo vệ pháp lý cho ý tưởng của mình, luật sư Phan Ngọc Tâm, sáng lập viên của Công ty luật Tín & Tâm, một chuyên gia về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho rằng, đây là một vấn đề pháp lý rất quan trọng, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Để bảo vệ ý tưởng của mình, các doanh nhân khởi nghiệp cần nhanh chóng tiến hành các thủ tục cần thiết để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho các ý tưởng của mình với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.