Tăng trưởng kinh tế chậm
Tại Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 8,16%, xuất siêu 1,54 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước tăng 6,1%; vốn FDI đăng ký đạt 11,3 tỷ USD, vốn thực hiện tăng 15,1%; vốn ODA ký kết mới tăng 61% và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm cả nước đạt 5,52%. Mức tăng trưởng này thấp hơn cùng kỳ là 6,32%.
Điều đáng lo ngại là lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm 0,18%. Nhiều chỉ số khác cũng giảm so với cùng kỳ như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 9,7%), tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 5,9% (mức của cùng kỳ năm trước là 9,2%), tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 0,5% (cùng kỳ năm trước tăng 17,1%).
Theo đánh giá của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 5,52% thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 6,32% của cùng kỳ năm trước. Vì thế, để đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7% trong cả năm 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội trước đó, thì 6 tháng cuối năm, GDP phải tăng xấp xỉ 7,6%. Mức tăng trưởng này theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội là khó khả thi, nhất là trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong thời gian này.
Bội chi ngân sách
Trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, thu ngân sách lại gặp khó khăn và ngân sách nhà nước tiếp tục bội chi, thậm chí ở mức cao. Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 vừa được Chính phủ trình Quốc hội và đã được thông qua cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 đạt 782.700 tỷ đồng, nhưng tổng số chi lên tới 1.006.700 tỷ đồng, bội chi 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP.
Tình trạng bội chi ngân sách kéo dài khiến nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc. Theo Đại biểu Ngô Văn Minh (Đoàn Quảng Nam), vấn đề chi vượt dự toán, bội chi, rồi sau đó đề nghị cho vào quyết toán là “tiền trảm, hậu tấu”, thể hiện việc chấp hành pháp luật không nghiêm. Thậm chí, có đại biểu còn kiến nghị Quốc hội tiến hành thanh tra các đơn vị có vi phạm trong báo cáo kiểm toán và nếu cần thì xử lý hình sự…
Trong khi tình trạng bội chi ngân sách tiếp tục tái diễn ở mức cao, Báo cáo của Chính phủ cho biết, việc thu ngân sách đang gặp khó khăn, nhất là ngân sách Trung ương. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro. Vấn đề nợ đọng thuế còn lớn, việc xử lý nợ xấu chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn… Cụ thể, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32,4 nghìn tỷ đồng trong tổng số 241 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, gây thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn...
Áp lực nợ công
Một vấn đề lớn khác trong Báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 là vấn đề nợ công cao. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều áp lực từ nợ công cao và áp lực trả nợ lớn.
Theo đó, đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ bằng 50,3% GDP (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia bằng 43,1% GDP. Trong trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.
Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước (nếu tính cả trả nợ gốc thì đạt trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 1,86 lần giai đoạn 2006-2010. Ngoài ra, dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Mặc dù những số liệu về nợ công đã được Chính phủ báo cáo cụ thể, Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra, nhưng nhiều đại biểu còn hoài nghi về con số thật của nợ công.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, con số thật có thể lớn hơn. Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP. HCM) so sánh mức nợ công của Việt Nam hiện đã cao hơn với khu vực và tăng cao gấp 2 lần Thái Lan. Trong khi đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) tin rằng, với xu thế nợ công như hiện nay, tình trạng vượt trần nợ công có thể sẽ diễn ra ngay trong năm nay.