Ba vấn đề kinh tế lớn tạo động lực tăng trưởng

Ba vấn đề kinh tế lớn tạo động lực tăng trưởng

(ĐTCK) Ba vấn đề kinh tế trọng yếu đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập một cách thẳng thắn tại cuộc đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp tại Hội thảo Triển vọng kinh tế năm 2018 và đến năm 2020, do Tạp chí Nhà đầu tư thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài tổ chức mới đây.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, công tác đổi mới thể chế được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh như một động lực mang tính nền móng, căn bản đối với tăng trưởng kinh tế, vừa cần thiết phải đổi mới trong bối cảnh có nhiều thay đổi diễn ra nhanh chóng, vừa là yêu cầu bắt buộc để phát triển.

Trong những năm gần đây, công cuộc cải cách thể chế đã có nhiều chuyển biến tích cực, các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã và đang được xây dựng trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ như: Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công..., tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thuận lợi để phát huy mọi lợi thế phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây mới chỉ là bước đầu. Nhiệm vụ hoàn thiện thể chế cần tiếp tục đẩy mạnh, phải đạt được mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét trong tăng trưởng và phát triển, thiết lập quan hệ rõ ràng về vai trò giữa nhà nước và các thành phần kinh tế, yếu tố thị trường, cũng như hình thành cơ chế nhằm giải phóng các nguồn lực phát triển.

“Mọi thành phần kinh tế đều phải tích cực, chủ động tham gia, đóng góp vào quá trình cải cách. Sự chuyển mình, đổi mới của mỗi thành phần kinh tế sẽ là yếu tố đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Năng suất lao động và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới nền kinh tế, vấn đề lớn thứ hai, một lần nữa lại được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới như những nhân tố cốt lõi, đặc biệt là năng suất lao động - yếu tố quan trọng nhất nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cùng với đó, việc tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh, mạnh như vũ bão được coi là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất lao động, giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có thể đẩy nhanh tốc độ, thu hẹp dần khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới.

Theo Bộ trưởng, mặc dù trong thời gian gần đây, năng suất lao động đã có sự cải thiện song khoảng cách còn rất lớn so với các nước trong khu vực và có xu hướng ngày càng nới rộng. Để đối phó với thách thức này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, xây dựng đề án về các giải pháp thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh tác động và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Chúng tôi đang nỗ lực tối đa để sớm hoàn thành đề án Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm là huy động sự tham gia rộng rãi của các thế hệ người Việt Nam đã và đang thành công trong các lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật..., cùng với việc hình thành các trung tâm công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, triển khai hiện đại bậc nhất trên thế giới nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp 4.0 phát triển”, ông Dũng chia sẻ.

Vấn đề trọng yếu thứ ba được Bộ trưởng nhấn mạnh là phát triển khu vực kinh tế tư nhân, kết hợp với sự liên kết mạnh mẽ giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Hơn bao giờ hết, kinh tế tư nhân được coi là động lực dài hạn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, nâng cao tính linh hoạt, năng động của nền kinh tế, góp phần thích ứng tốt với những biến động quốc tế. Đây là chủ trương lớn được Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất quán chủ trương có chính sách tạo thuận lợi tối đa để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Cùng với sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, khu vực FDI cũng sẽ tiếp tục là một thành phần kinh tế quan trọng tạo động lực tăng trưởng mạnh nền kinh tế trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng, 30 năm thu hút FDI gần như song hành cùng 3 thập kỷ đổi mới của nền kinh tế đã mang lại nhiều thành công cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới cần phải giải quyết được bài toán phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước nhanh hơn, bắt kịp tốc độ của khu vực FDI, tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu và tạo lập sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực, bổ trợ lẫn nhau, cùng nhau phát triển.

“Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Đảng, Nhà nước một số định hướng lớn về thu hút FDI trong bối cảnh mới, bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và kết nối được hai khu vực trong nước và nước ngoài thành thể thống nhất, cùng nhau phát triển và đóng góp ngày càng nhiều cho sự thịnh vượng chung của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.      

Tin bài liên quan