Ngày 30/9, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo khác có liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) tiếp tục với phần xét hỏi.
Trong phiên xét xử hôm nay, Hội đồng xét xử tiếp tục làm rõ những tài sản bị kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo, cá nhân khác có liên quan.
Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan xin Hội đồng xét xử giải tỏa kê biên đối với 77,89% cổ phần tại Công ty cổ phần Dược phẩm Đông Dược 5 cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. |
Đối với 84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, phần vốn góp này không phải của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, mà là của một cá nhân nước ngoài và cá nhân bị cáo. Phần của nhà đầu tư nước ngoài bị cáo xin Hội đồng xét xử giải toả để trả lại cho họ, còn phần còn lại của bị cáo thì xin nộp khắc phục hậu quả.
“Bị cáo kính xin Hội đồng xét xử giải tỏa kê biên để cho nhóm anh em của bị có ở ngoài hoàn thiện hồ sơ, phát triển dự án này vì nguồn thu mang lại không dưới 50.000 tỷ đồng. Nếu không được giải tỏa kê biên thì không thể thực hiện các thủ tục được”, bị cáo Trương Mỹ Lan nói.
Đối với 13,23% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thủy đang bị kê biên, bị cáo Lan khai rằng không nhớ thời điểm hình thành số cổ phần này. Số cổ phần này không liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, mà của cá nhân bị cáo, bị cáo nhờ người đứng tên hộ.
Theo đó, bị cáo Lan xin Hội đồng xét xử giải tỏa kê biên để người ở nhà bán đấu giá, vì dự án này rất đẹp. Bị cáo cam kết sau khi bán 13,23% số cổ phần này sẽ lấy tiền để nộp khắc phục hậu quả của vụ án.
Hội đồng xét xử tiếp tục phần xét hỏi đối với bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) liên quan đến 100% cổ phần tại Công ty Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát. Tại tòa, bị cáo Vân khai nhận, không nhớ chính xác bản thân sở hữu bao nhiêu cổ phần tại công ty này, bởi bị cáo chỉ là người đứng tên đại diện cho một số cá nhân và tổ chức khác.
Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) tại toà. |
Theo trình bày của Trương Huệ Vân, Công ty Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát do bị cáo giữ 100% cổ phần được hình thành từ tiền của bà nội cho. Đây là công ty gia đình nên chuyển qua lại giữa các thành viên. Cổ phần tại công ty này không phải của Trương Mỹ Lan, nên mong Hội đồng xét xử xem xét, giải tỏa kê biên.
“Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giải tỏa kê biên cho Công ty, vì Công ty không có giá trị về kinh tế, mà chỉ có giá trị truyền thống là chính. Bị cáo cũng không biết tại sao Công ty này lại bị kê biên. Bị cáo mong muốn được nhận lại để tiếp tục phát triển, giữ gìn truyền thống gia đình”, bị cáo Trương Huệ Vân nói.
Xác nhận lời khai trên, bị cáo Trương Mỹ Lan cho hay, Công ty Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát không liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Toàn bộ số cổ phần tại Công ty này là của mẹ bị cáo cho anh em nhà Trương Huệ Vân, bị cáo không tham gia vào việc này.
“Không có tài liệu nào để thể hiện công ty này là của mẹ bị cáo để lại cho các cháu… Nhưng công ty này bán cũng không có ai mua, mong Hội đồng xét xử giải tỏa kê biên, không đưa vào khắc phục hậu quả vì không có giá trị kinh tế”, bị cáo Trương Mỹ Lan nói.
Còn đối với 1,4 triệu cổ phần Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đang bị kê biên, bị cáo Lan cho biết, bản thân không tham gia, không biết cái này là gì. Bị cáo không biết bản thân chiếm bao nhiêu phần trăm tại Công ty… Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét, số phần nào của bị cáo thì giữ lại để khắc phục hậu quả, còn phần nào không phải của bị cáo thì trả lại.
Đối với 18% phần vốn góp tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành, bà Lan cho rằng, số cổ phần này do Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TP.HCM (viết tắt là Công ty Setra) đại diện đứng tên giúp bị cáo từ năm 2011.
Theo bị cáo, công ty này thuộc Vietcombank, là tài sản của nhà nước. Vì vậy, bị cáo Lan đề nghị Hội đồng xét xử giải tỏa kê biên, sau đó cho đấu thầu để lấy tiền khắc phục hậu quả.
“Nếu có thể được, bị cáo mong Hội đồng xét xử giải tỏa kê biên để cho người nhà bị cáo mang đi đấu giá theo quy định của pháp luật. Bên nào trả giá cao được thì bán, nếu bán mà không thông qua đấu giá thì bị cáo sợ bị ảnh hưởng đến con cháu sau này…”, bị cáo Trương Mỹ Lan nói.
Đối với số tài sản này, Hội đồng xét xử triệu tập đại diện Công ty Setra, người này cho biết, từ tháng 4/2024, Công ty liên doanh TNHH Vietcombank và Tập đoàn vạn Thịnh Phát có văn bản thực hiện nguyên tắc bán 18% cổ phần cho Vietcombank để khắc phục hậu quả.
Công ty định giá do Vietcombank thuê xác định 18% cổ phần này tương đương với 920 tỷ đồng. Nếu “thương vụ” này thành công, Công ty Setra đề nghị chuyển 20% của 920 tỷ đồng vào một tài khoản riêng để đóng thuế, số tiền còn lại sử dụng để khắc phục hậu quả cho việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu.
Về việc 73,4% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1 cũng bị kê biên, bà Lan trình bày, hoạt động của công ty này là phục vụ du lịch chứ không phải buôn bán tài sản, buôn bán nhà. Theo bà Lan, toàn bộ là của cha mẹ, không liên quan bị cáo.
“Kính xin Hội đồng xét xử gỡ bỏ kê biên, gia đình bị cáo cam kết bán để đưa vào khắc phục, không sử dụng riêng. Việc gỡ bỏ kê biên để dễ mua bán, lấy tiền khắc phục hậu quả”, bà Lan trình bày.
Đối với 82% cổ phần tại Công ty Bảo hiểm FWD Việt Nam, bà Lan khẳng định không thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cũng không dính tới Ngân hàng SCB. Theo bà Lan, trước đây công ty bảo hiểm này có người trả 200 - 300 triệu USD mà bị cáo không bán. Bà Lan mong Hội đồng xét xử giải tỏa kê biên, bà sẽ dùng số tiền bán được để khắc phục hậu quả chứ không sử dụng riêng.