Bà Trương Mỹ Lan xin được nhận lại nhiều bất động sản "của gia đình"

0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên xét xử phúc thẩm, bà Lan không kháng cáo kêu oan mà chỉ xin xem xét lại hành vi, bối cảnh phạm tội. Đồng thời xin được nhận lại nhiều bất động sản "của gia đình".
Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại tòa.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại tòa.

Chiều 4/11, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan (giai đoạn 1).

Trình bày trước tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cho biết, bản thân không kháng cáo kêu oan mà chỉ kháng cáo để xin tòa xem xét lại hành vi phạm tội, bối cảnh phạm tội... Sau đó bị cáo trình bày về quá trình hình thành gia tộc của mình, quá trình tham gia vào tái cấu trúc ngân hàng SCB và những việc làm đã giúp cho xã hội, cho người dân.

Về hành vi, bị cáo Lan khẳng định bản thân chưa bao giờ có chữ ký nào vay vốn tại ngân hàng SCB, chưa bao giờ chỉ đạo bất cứ người nào tại ngân hàng SCB. Bị cáo cũng cho rằng, bản thân chưa bao giờ nhân danh Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao dịch… nên mong Hội đồng xét xử xem xét lại vị trí, vai trò của mình tại SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết thêm, trước khi sáp nhập ngân hàng, tài sản của gia đình bị cáo rất nhiều như: tòa nhà An Đông, tòa nhà Windsor Plaza, tòa nhà Sherwood Residence… Tuy nhiên, khi bị cáo nhận lời tham gia vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng SCB thì ngân hàng rất khó khăn. Suốt khoảng thời gian này lúc nào bị cáo cũng nghĩ đến kiếm nguồn tiền, đưa tài sản của gia đình vào để giúp SCB.

Trình bày về nguồn gốc hình thành khối tài sản, bị cáo Lan khai, trước ngày giải phóng, gia tộc bị cáo là tiểu thương chợ Bến Thành. Sau năm 1975 thì gia đình bị cáo lựa chọn ở Việt Nam để lập nghiệp. Gia đình chủ yếu kinh doanh vải, mỹ phẩm khắp cả nước rồi dần dần sau này thành lập Công ty tư nhân Vạn Thịnh Phát rồi Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như hiện nay.

Theo lời khai của bị cáo Lan, thời điểm đó bất động sản còn rẻ, nên gia đình bị cáo sử dụng vàng mà mẹ bị cáo tích góp để mua và tạo lập nên khối tài sản này.

Trong phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lan xin nhận lại các tài sản như: Biệt thự cổ tại số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM, đây là căn nhà cổ mà mẹ bị cáo mua tặng cho con gái; tòa nhà tại địa chỉ 19-25 đường Nguyễn Huệ (trụ sở SCB); tài sản tại số 21 đường Trần Cao Vân; số 24 đường Lê Lợi; 2 du thuyền; ô tô…. cùng một số tài sản khác bị cáo sẽ cung cấp đầy đủ danh sách cho Hội đồng xét xử.

Ngoài ra, bị cáo Lan cũng xin giữ lại danh tiếng cho tập đoàn Vạn Thịnh Phát để các đối tác nhìn vào sau này còn hợp tác với tập đoàn.

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan; bị TAND TP.HCM tuyên án 17 năm tù) cũng xin được giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo thừa nhận, thời điểm được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào năm 2020 cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát. Vậy nên tính đến thời điểm khởi tố thì có đến 2/3 thời gian, bị cáo chỉ tập trung vào chống dịch, còn lại tập trung vào hoạt động xúc tiến đầu tư…

Theo bị cáo Vân, thời gian bị cáo tham gia vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khá ngắn. Trong khoảng thời gian đó, bị cáo cũng chưa bao giờ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm ảnh hưởng đến ai hay làm điều gì sai trái.

Tại cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng, do bị cáo là cháu của bị cáo Trương Mỹ Lan nên những tài sản của bị cáo cũng là của bị cáo Lan. Tuy nhiên, bị cáo Vân đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem tài sản đảm bảo đang bị kê biên có nhiều tài sản là của cá nhân bị cáo, tài sản chung với chồng và tài sản do bà nội để lại. Xin Hội đồng xét xử trả lại những tài sản đó cho bị cáo để bị cáo ổn định cuộc sống gia đình về sau.

Tin bài liên quan