“Bà trùm” Trương Mỹ Lan phù phép rút ruột cả triệu tỷ đồng từ SCB - Bài 4: Tung 3 chiêu, “hô biến” triệu tỷ đồng khỏi ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
Khi “dây chuyền” đã khép kín, Trương Mỹ Lan lệnh cho tài xế riêng tới SCB chở hơn 100.000 tỷ đồng cùng hơn 14,7 triệu USD về “sào huyệt”; hoán đổi tài sản chỉ có giá hơn 108.000 tỷ đồng cho Ngân hàng để rút tài sản thế chấp có giá 487.000 tỷ đồng về bán; bán nợ xấu để tiếp tục rút ruột SCB.
Tòa nhà Saigon One Tower, một trong những bất động sản liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Lê Toàn

Tòa nhà Saigon One Tower, một trong những bất động sản liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Lê Toàn

Điều cả ô tô chở tiền… về nhà

Để rút rồi cắt đứt đường đi của dòng tiền nhằm tránh việc bị truy vết, với đầu mối tại SCB, “bà trùm” chỉ giao nhiệm vụ cho 2 nhân vật thân cận nhất là Nguyễn Phương Hồng và Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc SCB).

Tại Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan giao trọng trách cho Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài, mua tài sản, theo dõi toàn bộ việc thu, chi tiền giải ngân từ SCB và các nguồn tiền khác.

Khi cần sử dụng ngay tiền mặt, Trương Mỹ Lan trực tiếp chỉ thị cho Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung thực hiện. Nhiệm vụ chở tiền từ SCB về “sào huyệt” được giao cho tài xế riêng của “bà trùm” là Bùi Văn Dũng.

Sau khi nhận “lệnh”, 2 phó tổng giám đốc SCB chỉ đạo Trung tâm Kinh doanh khách hàng Wholesale và SCB Chi nhánh Sài Gòn phối hợp với Nguyễn Phương Anh triển khai.

Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, trong 10 năm (từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022 - ngày bắt Trương Mỹ Lan), SCB đã cho vay, giải ngân cho nhóm Trương Mỹ Lan hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 93% tổng số tiền cho vay của ngân hàng này.

Đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/10/2022), dư nợ gốc còn lại là 483.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá trị 424 mã tài sản có đủ pháp lý được định giá lại, bà Trương Mỹ Lan bị xác định đã chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129.000 tỷ đồng ở hành vi tham ô tài sản, gây thiệt 64.000 tỷ đồng ở hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Tại thời điểm ngày 17/10/2022 (ngày khởi tố vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng tại SCB), tổng số tiền ngân hàng này huy động của người dân và vay của các cơ quan, tổ chức khác là 673.586 tỷ đồng.

Nguyễn Phương Anh cung cấp pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền cho Thái Thị Thanh Thảo lập phiếu chi và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt; còn mình thì chỉ đạo các nhân viên kế toán được giao quản lý các công ty “ma” trong nhóm lập các chứng từ rút tiền (ủy nhiệm chi, giấy rút tiền...), đồng thời hẹn các cá nhân/đại diện pháp nhân đến SCB để ký chứng từ rút tiền.

Khi Bùi Văn Dũng lái xe tới, theo lệnh của Thái Thị Thanh Thảo, kiểm soát viên ngân quỹ SCB Chi nhánh Sài Gòn xuất tiền mặt khỏi quỹ để giao cho Dũng chở về nhà cho “bà trùm” tại tòa nhà Sherwood, số 127 - Pasteur (quận 3, TP. HCM), giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của Trương Mỹ Lan) để Uyên giao tiền cho những người đến nhận.

Có nhiều chuyến xe tiền còn được Bùi Văn Dũng chở về “sào huyệt” Vạn Thịnh Phát tại số 193 - 203 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) giao theo chỉ đạo của “bà trùm”.

Kết quả điều tra xác định từ sổ tay ghi chép cùng lời khai của Bùi Văn Dũng và cá nhân liên quan thể hiện, từ ngày 26/2/2019 tới ngày 12/9/2022, Dũng đã chở tiền từ SCB về “sào huyệt” Vạn Thịnh Phát hoặc về tòa nhà Sherwood giao, đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan thông qua Trần Thị Hoàng Uyên khoảng 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD. Số tiền rút ra này không chỉ có nguồn từ khoản vay tín dụng của SCB, mà còn có nguồn từ phát hành trái phiếu.

Khi chưa cần ngay tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Phương Anh sử dụng các pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền.

Sau đó, tiền sẽ được chuyển từ các công ty được giải ngân sang tài khoản của các pháp nhân, cá nhân này. Khi cần sử dụng, “ê kíp” lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của “bà trùm”.

“Dòng chảy” của “núi tiền”

Bằng các thủ đoạn trên, việc chuyển tiền theo lệnh của “bà trùm” từ SCB đến các tổ chức được thực hiện qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân “ma”. Với 1.284 khoản vay, số tiền được giải ngân lên đến hơn 525.000 tỷ đồng, dư nợ gốc là 483.917 tỷ đồng.

Dòng tiền được xác định “chảy” như sau: trả nợ khoản vay cũ tại SCB hơn 57.000 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB hơn 381.300 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản nội bộ trong SCB hơn 5.200 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân rút tiền mặt hơn 81.800 tỷ đồng.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, một phần tiền được giải ngân từ các khoản vay của SCB được Vạn Thịnh Phát đưa vào nhóm công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn).

Một phần tiền khác được Vạn Thịnh Phát dùng để đầu tư và sở hữu các dự án bất động sản, như khu dân cư Bonville (hơn 56.000 m2), khu dân cư Sterling Residence (hơn 264.000 m2), khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận (quận 7) với quy mô 1.177.000 m2...

Ngoài ra, “bà trùm” còn sử dụng tiền vào việc trả nợ gốc và lãi của các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè, người thân; trả các khoản không thể hạch toán được chi phí của SCB; trả tiền gốc và lãi trái phiếu; chi phí định giá tài sản, công chứng tài sản; chi trả tiền công cho những người đứng tên hộ các công ty, những người đứng tên hộ các khoản vay, những người đứng tên tài sản...

Đổi tài sản giá “bèo” lấy tài sản “xịn” rồi tẩu tán

Không chỉ rút ruột SCB bằng tiền, “bà trùm” còn điều hành “dây chuyền” hoán đổi tài sản không đảm bảo pháp lý hoặc giá trị thấp để rút các tài sản đảm bảo đủ giấy tờ và có giá trị cao ra khỏi SCB nhằm sử dụng vào các mục đích của Vạn Thịnh Phát.

Qua điều tra, công an xác định, trong số 1.284 khoản vay của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, có 240 tài sản được định giá hơn 487.000 tỷ đồng để thế chấp bảo đảm cho 430 khoản vay tại SCB đã bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm khác.

Trong 278 tài sản hoán đổi, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 260 tài sản với trị giá chỉ còn hơn 108.000 tỷ đồng, tức là đã “bốc hơi” khoảng 379.000 tỷ đồng.

Đáng nói là, trong số 240 tài sản bảo đảm thế chấp bị hoán đổi, có 67 tài sản có giá trị lớn đã bị xuất hẳn ra khỏi hệ thống quản lý của SCB, chuyển sang sở hữu của nhóm Vạn Thịnh Phát tại TP.HCM, như tòa nhà Sherwood tại số 127 - Pasteur, tòa nhà 66 - Phó Đức Chính. Ngoài ra, có nhiều tài sản đã chuyển nhượng cho bên khác hoặc chuyển sở hữu nước ngoài, nên cơ quan công an không thể tiến hành kê biên, phong tỏa được.

Bán nợ xấu để… tiếp tục rút ruột

Thông qua các công ty “ma” và hồ sơ vay vốn khống để rút tiền ra khỏi SCB chỉ nhằm sử dụng cho cá nhân, nên nợ gốc và lãi các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát ngày càng “phình” ra, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Để che giấu một phần số nợ xấu, giảm dư nợ tín dụng và để SCB tiếp tục cho vay, giải ngân theo các hồ sơ “khống” của “kho” công ty “ma”, Trương Mỹ Lan bèn chỉ thị “ê kíp” tại SCB bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC); bán nợ trả chậm cho chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập; cấn trừ nợ.

Trong gian đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/1/2022, SCB đã bán nợ xấu cho VAMC 69 khoản vay/39 khách hàng, số tiền gốc giải ngân hơn 51.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, SCB bán nợ trả chậm 148 khoản vay/132 khách hàng, số tiền gốc giải ngân gần 59.000 tỷ đồng. Toàn bộ số nợ này được bán cho 44 công ty “ma” nằm trong nhóm do Nguyễn Phương Anh chỉ đạo các nhân viên cấp dưới thành lập.

Ngoài ra, SCB còn cấn trừ nợ 52 khoản vay/45 khách hàng, số tiền gốc giải ngân hơn 23.000 tỷ đồng.

Theo xác minh của cơ quan điều tra, tổng cộng số tiền gốc giải ngân cho các khoản bán nợ xấu trên là 133.000 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 200.000 tỷ đồng.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan