Ba trụ cột cơ bản - động lực mới đưa Ninh Bình phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Là vùng đất cố đô, địa linh nhân kiệt, thiên nhiên ưu đãi, giữ vị trí chiến lược của vùng Đồng bằng sông Hồng, trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là giai đoạn 30 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, tăng trưởng chậm, Ninh Bình đã đột phá đi lên, tăng trưởng cao, tự cân đối ngân sách, tạo ra 3 trụ cột nền tảng, cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tham quan dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tham quan dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công

Trung tâm du lịch quốc gia và khu vực

Thiên nhiên đã ban tặng Ninh Bình nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối nước khoáng nóng Kênh Gà, biển Kim Sơn - Cồn Nổi, hồ Yên Thắng, Đồng Thái, Đồng Chương…, đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An.

Ninh Bình - cố đô của đất nước, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi cha ông đã để lại 1.499 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 79 di tích quốc gia, nổi bật như Cố đô Hoa Lư, Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ Vua Lê Đại Hành, chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa Non Nước…

Ninh Bình là quê hương của nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, với trên 260 lễ hội, nhiều lễ hội đặc sắc như Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An…; là đất tổ của hát xẩm, hát chèo, nhiều làng nghề truyền thống nức tiếng... cùng văn hóa ẩm thực độc đáo với các món cơm cháy, thịt dê, rượu Kim Sơn...

Nhận thức sâu sắc về những giá trị vô giá mà thiên nhiên cùng cha ông để lại, năm 2009, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 15 về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định phát triển Ninh Bình thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngày 29/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 07 về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045. UBND tỉnh đã ban hành Đề án Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045 phát triển Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước và hướng tầm quốc tế.

Tỉnh đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình hạ tầng, kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào du lịch, trong đó Xuân Trường là doanh nghiệp tiên phong, đầu tư Quần thể danh thắng Tràng An và chùa Bái Đính.

Du lịch Ninh Bình thực sự “cất cánh” khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, địa chỉ du lịch mới, vào nhóm 15 điểm đến hàng đầu và tăng trưởng bình quân trên 11%/năm. Nhiều hoạt động quảng bá liên kết với các ngành, địa phương, nguồn nhân lực được đẩy mạnh; công nghệ cao được ứng dụng rộng rãi; hàm lượng văn hóa, chất lượng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch được nâng lên. Kết cấu hạ tầng phát triển đột phá, như Khu hang động Tràng An, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư...

Toàn tỉnh có gần 700 cơ sở lưu trú, 15 khách sạn 3 - 4 sao. Năm 2019, Quần thể Tràng An, chùa Bái Đính, cùng du lịch Ninh Bình đã đón 7,65 triệu lượt khách, doanh thu 3.600 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018.

Giai đoạn tới, du lịch Ninh Bình phát triển theo chiều sâu, lấy yếu tố xanh, văn hóa làm nòng cốt, cung cấp các sản phẩm đậm bản sắc Ninh Bình, huy động các nguồn lực chung tay làm du lịch, hiện thực hóa mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, là đến năm 2030 thu hút 12 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 18.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP, tạo việc làm cho trên 43.000 lao động.

Công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao

Ninh Bình có núi non hùng vĩ, sông nước hiền hòa, nơi giao lưu giữa các vùng miền, các tuyến giao thông huyết mạch, con người cần cù, dễ mến, có truyền thống lịch sử, văn hóa... Ninh Bình cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao ở phía Tây Nam; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch ở khu vực Cố đô Hoa Lư và vùng di sản Tràng An... Với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phải làm cho Ninh Bình giàu đẹp, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

(Trích phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lần thăm và làm việc với tỉnh Ninh Bình, ngày 18/11/2022)

Duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp Ninh Bình đã đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế, với tốc độ tăng trưởng đạt 22,6%/năm; trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp đã tăng từ 13,6% lên 31,4% (năm 2020). Các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất - lắp rắp ô tô, điện tử, may mặc, giày dép, công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng đều phát triển.

Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có công nghệ hiện đại, sản phẩm cạnh tranh cao, như Dự án Nhà máy Sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina, Dự án Nhà máy Sản xuất cần gạt nước xe ô tô của Công ty TNHH ADM 21, Dự án DNC AUTOMOTVE, Nhà máy Sản xuất dây cáp điện ô tô của Công ty TNHH Esmo Vina....

Nhiều dự án dệt may, da giày đi vào hoạt động, như Nhà máy Giày dép xuất khẩu Ninh Bình của Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Ninh Bình, Nhà máy Sản xuất giày dép xuất khẩu và nguyên phụ liệu ngành giày dép của Công ty Giày ADORA Việt Nam, Nhà máy Sản xuất gia công sản phẩm giày dép Viennery của Công ty Montop Holding Limited...

Đã xuất hiện những tập đoàn lớn, như Liên doanh Ô tô Hyundai và Tập đoàn Thành Công với 8 dự án, vốn đăng ký 12.138,487 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là Dự án Nhà máy HTMV2, với vốn đầu tư 3.208 tỷ đồng, công suất 100.000 xe ô tô du lịch/năm, đến năm 2025 đạt 180.000 xe/năm. 8 dự án hoạt động hiệu quả, hàng năm nộp ngân sách 15.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5.000 lao động.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Nghị quyết số 06 ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Chỉ thị 07, ngày 29/4/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình và cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định của Trung ương, Ninh Bình đang hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại ngành công nghiệp đến năm 2030.

Theo đó, công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và đi đôi với bảo vệ môi trường. Tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghệ cao, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII là đến năm 2035, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Nông thôn mới phát triển bền vững

Bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với điểm xuất phát thấp, song Ninh Bình vẫn xác định, phải lấy hiệu quả thực chất làm mục tiêu hàng đầu, kiên quyết không sa vào “bệnh thành tích”. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nông thôn mới phải thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân theo hướng bền vững và phát triển.

Sau 12 năm, 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nâng cao, 11 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, 281 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 7/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Huyện Kim Sơn cơ bản hoàn thiện các tiêu chí công nhận chuẩn nông thôn mới trong năm 2023. Và như vậy, Ninh Bình sẽ về đích tỉnh nông thôn mới trước mục tiêu 1 năm.

Sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển rõ rệt, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, kết hợp thương mại dịch vụ và du lịch. Cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp dần thay thế sức người. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Chương trình OCOP tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt, với 54 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, 15 sản phẩm đạt 3 sao, 39 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Bức tranh nông thôn mới bừng sáng với những ngôi nhà khang trang, những làng quê như phố, những công trình văn hóa - thể thao, những con đường bê tông rộng rãi, những đường cây xanh mát, ngát hương. Nông thôn mới thực sự “đổi đời” các làng quê, là một trong 3 ba trụ cột, bệ đỡ, bền vững cho một Ninh Bình phát triển mạnh mẽ.

Tin bài liên quan