Sáng 29/11, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững 2022: "ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh: "Phát triển bền vững phải dựa trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, Xã hội và Môi trường. Coi nhẹ bất cứ yếu tố nào đều khiến con đường trở nên khấp khểnh và mục tiêu cũng sẽ rời xa, nhất là bối cảnh thế giới đang vận động nhanh với những cam kết ngày càng mạnh mẽ, những tiêu chí đề ra ngày một khắt khe thì lựa chọn của từng thành phần tham gia sẽ càng khó khăn hơn.
Từ đó, đòi hỏi những đối sách, biện pháp tối ưu để không những không bị loại khỏi cuộc chơi.
"Thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp sẽ trở nên đáng tin cậy hơn, hấp dẫn hơn trong mắt xã hội và các đối tác nếu theo đuổi các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (gọi tắt là ESG). Nhưng ESG là vấn đề mới, đòi hỏi cách tiếp cận mới, với yêu cầu về tài chính, nguồn nhân lực, đang là trở ngại với không ít doanh nghiệp", ông Minh nêu.
Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo: "Phát triển bền vững 2022: "ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022". |
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Tư vấn các chương trình ESG, KPMG Việt Nam và Campuchia chia sẻ: "ESG không phải là một xu thế mà thực sự cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là hành trình lâu dài chứ không phải xu hướng ngắn hạn trong một vài năm. Dù khá mới mẻ, nhưng đã xuất hiện các doanh nghiệp tại Việt Nam bước đầu đã đưa ra các tiêu chí để thực thi ESG.
Giải quyết những thách thức lớn trên toàn cầu về tăng trưởng xanh là mục tiêu lớn của các nền kinh tế, trong đó kêu gọi các chủ thể khác nhau đầu tư cho phát triển bền vững là giải pháp quan trọng. Theo UNDP, việc thực hiện ESG sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài, dù hành trình đó, các chủ thể gặp không ít trở ngại.
Đó là sự thiếu hụt nguồn lực cả con người, tài chính cùng những am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về ESG, những cam kết ngày càng cao đối với cộng đồng quốc tế.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng: "Chúng ta đang trong quá trình thực hiện phát triển bền vững và đây là bắt buộc chứ không phải mong muốn nữa. Mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Chính phủ tưởng như còn xa, nhưng thật ra chỉ còn 28 năm. Do đó, cần phải thực hiện ngay, không thể chậm trễ.
Trong điều kiện hạn chế về tài chính, nguồn lực, nhưng một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để tìm ra hướng đi thích hợp. Ông Patrick Haverman khuyên, tùy từng phạm vi hoạt động, năng lực cung ứng và điều kiện tài chính, doanh nghiệp có thể làm dần dần, làm từng hạng mục để dần đạt tới các mục tiêu đặt ra.
Các chuyên gia tại Hội thảo nhấn mạnh, ESG là vấn đề quan trọng trong kinh doanh của cac doanh nghiệp toàn cầu. Việt Nam và châu Á là trung tâm của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, các nhà đặt hàng đều đều quan tâm lớn tới ESG, một khi đã là nhà cung ứng các sản phẩm hàng hóa thì phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mà nhà mua hàng đặt ra.
"Cam kết về phát thải ròng bằng 0 đã đưa ra các tiêu chuẩn không dễ tuân thủ, vẫn cần thêm nhiều thời gian để cụ thể hóa mục tiêu này. Điều này là thực tế với cả các doanh nghiệp trên toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam, nhưng khó mấy thì vẫn phải thực hiện", ông Nick Wood, Cố vấn cấp cao FTI Consulting nói.
Bởi các thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ, EU đã đưa ra các quy định về quá trình sản xuất cụ thể với một số ngành hàng và yêu cầu nhà cung ứng phải tuân thủ.
"Điều này đã xảy ra với dầu cọ tại Malaysia. Dầu cọ của một số nhà sản xuất tại nước này đã không được phép vào Mỹ do quá trình sản xuất sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức", ông Nick Wood dẫn chứng.
Sẽ không có dư địa cho các doanh nghiệp không tuân thủ, muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu, muốn thúc đẩy xuất khẩu thì chỉ có con đường tuân thủ và mỗi quốc gia sẽ có hỗ trợ nhất định cho các doanh nghiệp trên hành trình thực hiện, theo ông Nick Wood.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chuyên gia tăng trưởng xanh (Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, ESG là một cách tiếp cận mà doanh nghiệp cần hướng tới trong bối cảnh hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững và xa hơn là phát thải về 0 vào 2050.
ESG là một phiên bản cập nhật hơn của việc thực hiện trách nhiệm xã hội, của thực hành doanh nghiệp phát triển bền vững và cũng thực sự mới mẻ với Việt Nam. Do đây là vấn đề mới và khó, làm thế nào để dẫn dắt đi vào thực tế thì cần sự đồng thuận của các chủ thể. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Ngân sách nhà nước: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho tăng trưởng xanh, thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.