Sự dìu dắt và bó buộc từ những biện pháp hành chính
Đối với giới ngân hàng, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đóng vai trò dẫn dắt hệ thống ngân hàng tìm kiếm sự an toàn, vừa đặt nhiều rào cản trong hoạt động kinh doanh của chính họ.
Sau một thập niên khủng hoảng, những năm gần đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phần nào an toàn hơn. Không thể phủ nhận kết quả tích cực này một phần đến từ tác động bởi những giải pháp của NHNN. NHNN đã đưa ra nhiều tính toán quản lý phù hợp đối với hệ thống ngân hàng, theo dõi và hướng dẫn cụ thể nhiều nhà băng phương thức xử lý nợ xấu, thậm chí lao vào cả những “điểm nóng” để quản lý những ngân hàng yếu kém.
Luật sư Trần Minh Hải
Trước năm 2008, sự quản lý của NHNN đối với hệ thống ngân hàng có đặc trưng nằm ở các hành lang giới hạn, tỷ lệ pháp lý trong hoạt động kinh doanh. Một số nhà băng đã lợi dụng các kẽ hở trong quản lý để lách qua hành lang pháp lý của NHNN. Bề ngoài và trên báo cáo, hầu hết ngân hàng thương mại đều đáp ứng các tỷ lệ, giới hạn nghiệp vụ. Tuy nhiên, tình trạng thực bên trong cho thấy, đa phần hành lang pháp lý đều bị ngân hàng phá vỡ. Hệ lụy là những vụ đổ vỡ của nhiều ngân hàng, những đại án ngân hàng nối tiếp nhau sau này.
Rút kinh nghiệm từ quá khứ, chu kỳ vừa qua và hiện nay, NHNN đã có sự thay đổi đặc biệt trong quản lý hệ thống ngân hàng. Có thể nói rằng, hiện nay, sự quản lý của NHNN đối với hệ thống ngân hàng đặc trưng nằm ở chính các biện pháp hành chính mà cơ quan này đang áp dụng. NHNN không quản lý các ngân hàng đơn thuần dựa trên các tỷ lệ, giới hạn, nguyên tắc, nguyên lý kinh tế, kỹ thuật, mà chủ động áp đặt bằng các biện pháp hành chính.
Một loạt biện pháp hành chính được áp dụng và thắt chặt hoạt động ngân hàng. Các chức danh quản lý, điều hành nhà băng bị rà soát, xem xét và hạn chế kỹ lưỡng hơn. Hệ thống mạng lưới hoạt động của ngân hàng bị giới hạn tốc độ phát triển hơn. Đặc biệt, sự tăng trưởng kinh doanh của các ngân hàng không còn thuộc về chính họ. Hàng năm, NHNN ra mệnh lệnh phân bổ chỉ tiêu tỷ lệ phần trăm tăng trưởng tín dụng cho mỗi nhà băng. Đó là giới hạn đỏ trong trần tăng trưởng kinh doanh mà các ngân hàng phải tuân thủ, chấp nhận.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, NHNN đã từng bước dìu dắt các ngân hàng có tình trạng yếu kém kiểm soát được sự thiếu an toàn, đi đến ổn định. Ở khía cạnh ngược lại, biện pháp hành chính đó đã tạo ra rào cản cho nhiều ngân hàng có năng lực, khát vọng tăng trưởng. Biện pháp phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng khiến cho nhiều nhà băng có tổng tài sản tốt, quy trình chuẩn, chất lượng nghiệp vụ cao vẫn không thể bùng nổ phát triển theo nguyên lý thị trường.
Hai mặt của một vấn đề nhưng yếu tố chính suy cho cùng vẫn là rào cản phát triển đối với hệ thống ngân hàng. Bởi bất cứ sự quản lý bằng biện pháp hành chính nào của Nhà nước cũng khó phù hợp với nền kinh tế - nơi mà nguyên tắc thị trường vẫn là ưu tiên số một.
Chuẩn mực quản trị không kiêm nhiệm
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng không được kiêm nhiệm các vị trí chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc ở doanh nghiệp khác. Các thành viên HĐQT cũng như chủ tịch HĐQT cũng không được kiêm nhiệm, tham gia xem xét, phê duyệt các quyết định có rủi ro thuộc chức năng của tổng giám đốc theo quy định tại Thông tư 13/2018 của NHNN. Với quy định này, đương nhiên giới chủ ngân hàng bị cấm tham gia các cơ quan trọng yếu gồm hội đồng rủi ro (hội đồng, ủy ban tín dụng..), hội đồng ALCO và hội đồng quản lý vốn…
Nguồn gốc của quy định tách bạch quản trị không kiêm nhiệm đối với giới chủ ngân hàng đến từ chuẩn mực Basel với đòi hỏi giới ngân hàng có giải pháp quản trị phòng thủ theo 3 tuyến đi cùng yếu tố tách bạch trong quản trị, điều hành.
Thực tiễn phản ánh những quy định trên không phù hợp với môi trường hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện nay ở Việt Nam. Cho dù các ông chủ ngân hàng từ nhiệm các vị trí chủ tịch tại các doanh nghiệp khác, thì bản chất họ vẫn là chủ thực sự của doanh nghiệp đó và vẫn duy trì sự quản lý điều hành doanh nghiệp. Có khác chăng là sự quản lý điều hành doanh nghiệp khác của chủ ngân hàng giờ đây từ chỗ minh bạch chuyển sang thiếu minh bạch để tránh sự ngăn cấm của NHNN.
Mong muốn từ phía NHNN là giới chủ ngân hàng sẽ không tham gia vào công việc điều hành, không lấn lướt điều hành, không đem những quyết sách vì quyền lợi của mình vượt khỏi ranh giới điều hành, gây mất an toàn cho ngân hàng. Chính vì vậy, NHNN yêu cầu giới chủ ngân hàng sẽ không được phép có vị trí ở những cơ quan nghiệp vụ tối quan trọng của ngành ngân hàng như ủy ban tín dụng, hội đồng tín dụng, các ủy ban, hội đồng khác… Mục tiêu của NHNN tương tự như thực tiễn quản lý hiện nay ở những nước kinh tế phát triển và hệ thống ngân hàng đã phát triển lớn. Ở đó, HĐQT thông thường không bao giờ kiêm nhiệm và tham gia vào bất kỳ công việc nào của ban điều hành.
Với cơ chế hiện nay, việc xử lý tài sản đảm bảo để đòi nợ cũng không dễ
Tuy nhiên, sự khác biệt to lớn giữa Việt Nam và các nước có nền kinh tế phát triển ở chỗ, HĐQT và thậm chí chủ tịch HĐQT ngân hàng hầu hết không phải là giới chủ ngân hàng. Người chủ thật sự của ngân hàng có thể là các quỹ đầu tư, những nhà tư bản lớn. Khi họ đầu tư vào một ngân hàng, họ sẽ thuê toàn bộ nhân sự từ HĐQT cho đến tổng giám đốc và ban điều hành. Vì vậy, việc tự đòi hỏi sự tách bạch quản trị và điều hành ngân hàng là điều hiển nhiên, cho chính lợi ích của giới chủ. HĐQT, ban điều hành, mỗi người có một chức năng, một vị trí khác nhau, nhưng về bản chất đều là người làm thuê.
Thế nhưng, ở Việt Nam thì hoàn toàn khác. Tại hầu hết các ngân hàng Việt Nam, HĐQT, nhất là chủ tịch HĐQT đều là những ông chủ thực sự của ngân hàng. Chính NHNN cũng đã thừa nhận và chấp nhận để cho các ông chủ ngồi trong HĐQT ngân hàng. Mà một khi người chủ thực sự đang quản lý ngân hàng, dù NHNN có quy định chặt chẽ ra sao thì người đó vẫn sẽ lách luật để quản lý từng hoạt động của nhà băng.
Sự lách luật đó cộng với giới hạn của NHNN đã tạo ra nhiều cơ chế hoạt động “hài hước” của ngành ngân hàng. Ví dụ, các cuộc họp của hội đồng tín dụng cấp cao nhất sẽ vẫn có những ông chủ tham gia và quyết định. Tuy nhiên, nếu trước đây khi ông chủ tham gia quyết định với tư cách của chính mình, đàng hoàng ký tên chính mình trong những văn bản xác nhận việc mình ra quyết định, thì nay họ ra quyết định giấu mặt. Với quy định không kiêm nhiệm, giới chủ ngân hàng có lý do để vẫn là người quyết định nhưng lại không phải là người chịu trách nhiệm về rủi ro quyết định, bởi về nguyên tắc họ không thể ký vào các biên bản họp - bằng chứng ra quyết định. Chính vì thế, quy định không kiêm nhiệm chỉ gây ra một sự thật là yếu tố lách luật tồn tại, chứ không đạt được mục tiêu như quy định muốn hướng tới.
Suy cho cùng, các ông chủ vẫn là điểm tựa của ngân hàng, dẫn dắt tổ chức đi lên. Họ là người quyết, thì tất cả cấp dưới sẽ có sự yên tâm. Nay quy định không kiêm nhiệm đã tước đi sự yên tâm của ban điều hành, của những người cấp dưới.
Bất cập pháp lý trong việc xử lý tài sản bảo đảm
Xử lý tài sản bảo đảm là một trong những vấn đề giúp các ngân hàng nhanh chóng giải thoát khỏi tình trạng nợ xấu trong hoạt động kinh doanh.
Mặc dù theo Bộ luật Dân sự, Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị quyết 42/2017/QH14…, ngân hàng có khá nhiều quyền trong việc xử lý như nhận chính tài sản thay thế nghĩa vụ trả nợ, phát mại tài sản, thu giữ tài sản…, nhưng các quyền hạn đó chỉ có thể triển khai trên giấy. Bởi khi áp vào thực tế, có muôn vàn lý do cản trở hầu hết quyền của ngân hàng.
Ví dụ, Nghị quyết 42 cho ngân hàng có quyền thu giữ tài sản nếu như có thỏa thuận, có quyền mặc nhiên thu giữ tài sản bảo đảm đã đăng ký, công chứng hợp pháp và có quyền phát mại. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chỉ cần chủ tài sản bảo đảm có hiểu biết thực tiễn quản lý hành chính một chút, thì các quyền trên của ngân hàng không thể thực hiện được. Nhiều vụ việc người có tài sản bảo đảm sẽ tạo nên một tranh chấp với bên thứ ba và cản trở việc xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng. Một bên thứ ba bất ngờ xuất hiện với tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm, thì ngay lập tức Nghị quyết 42 không có giá trị đối với cơ quan hành chính có chức năng hoàn tất thủ tục pháp lý tài sản.
Để an toàn cho trách nhiệm của mình, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thường yêu cầu các bên phải đưa tranh chấp ra tòa án giải quyết. Ngay cả trong trường hợp chủ tài sản đã đồng ý giao cho ngân hàng quyền xử lý bán tài sản, sau đó không hợp tác trong quá trình hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng tài sản, thì các cơ quan quản lý liên quan cũng thường xử lý tương tự theo hướng yêu cầu giải quyết bằng tòa án. Cơ chế đưa đẩy trách nhiệm từ các cơ quan nhà nước hữu quan là một vấn đề pháp lý gây vô hiệu hóa quyền xử lý nợ của ngân hàng, vốn được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự, Nghị quyết 42 và các văn bản dưới luật.
Tiến trình tố tụng tại tòa án cũng là bất cập pháp lý trong quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng. Khó khăn đến với nhà băng ngay từ khâu đi kiện. Nhiều tòa án khiến cho ngân hàng mất rất nhiều thời gian giải trình mới tránh bị từ chối thụ lý vụ kiện vì nhiều lý do như khó xác minh nơi cư trú của khách hàng, hộ khẩu khách hàng không rõ ràng, vấn đề nghiệp vụ ngân hàng phức tạp, thậm chí giá trị vụ kiện nhỏ quá khiến tòa không “hứng thú” thụ lý… Nhưng bất cập chính đối với giới ngân hàng chính là các phán quyết vô lý từ nhiều tòa án.
Năm 2011, một ngân hàng đã từng bị tòa án tuyên vô hiệu một hợp đồng bảo đảm tiền vay. Lý do tòa cho rằng, phải gọi tên hợp đồng là bảo lãnh chứ không phải hợp đồng thế chấp. Đến khi cả giới ngân hàng tập trung nghiên cứu, thì phát hiện cách hiểu của tòa dựa trên định nghĩa trong Bộ luật Dân sự năm 1999 đã hết hiệu lực pháp luật. Còn cách gọi tên hợp đồng thế chấp của ngân hàng là theo Bộ luật Dân sự đang có hiệu lực pháp luật.
Có vụ án khác, ngân hàng mất quyền xử lý tài sản, bởi tòa án lục vấn lại quá khứ xa xôi bên bán, bên mua đã từng thỏa thuận một giá mua bán khác ngoài hợp đồng công chứng. Bất chấp việc chuyển nhượng bất động sản đã được công chứng, tài sản đã sang tên người mua, đã thế chấp vào ngân hàng theo đúng thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, tòa vẫn tuyên hủy hợp đồng mua bán trong quá khứ.
Vậy là ngân hàng bỗng dưng mất tài sản bảo đảm vì một lý do mà nhà băng không thể thẩm định được khi nhận thế chấp bằng bất động sản. Đúng hay sai về pháp lý trong một vụ án, thì lời giải cuối cùng là tòa án. Đối với giới ngân hàng, tòa án thường đưa ra lời giải sai và đây chính là bất cập pháp lý lớn.
Ba trở ngại thực tiễn nêu trên chính là ba vấn đề còn tồn tại đến hôm nay trong sự phát triển của các ngân hàng.