Người phụ nữ đi trước thời đại
Trong xã hội phong kiến thế kỷ XV với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn ăn sâu vào tiềm thức và cuộc sống của người dân Việt Nam, khi những người phụ nữ bấy giờ chỉ biết “an phận thủ thường” thì bà Bùi Thị Hý đã có suy nghĩ và hành động đi trước thời đại, hiếm ai dám nghĩ tới.
Ngay từ thuở nhỏ, doanh nhân Bùi Thị Hý đã là người ham học, ham hiểu biết. Bà không chỉ thông kinh sử, giỏi thơ phú, giỏi vẽ mà còn là người thích võ và trượng nghĩa. Chuyện xưa kể lại, trong một lần thi vẽ có ra đề quy định, khi ba tiếng trống dứt, ai vẽ xong trước và đẹp nhất ba con chim thì sẽ được thưởng một con trâu. Kỳ thi này, bà đã giành giải nhất.
Nhiều thông tin cũng truyền lại, bà cũng như nữ tiến sĩ Bùi Thị Duệ từng giả trai đi thi khoa bảng. Tuy nhiên, khi thi đến tam trường thì bà bị phát hiện thân phận, nhờ là cháu danh tướng Bùi Quốc Hưng nên không bị phạt nặng nhưng phải về quê.
Bậc danh nhân kỳ tài
Sau khi lấy chồng là ông Ðặng Sĩ - một đại gia ở làng Chu Ðậu, bà theo chồng về quê ở trang Chu, cùng chồng dựng lò làm nghề chế tác đồ sứ bán cho các thương nhân trong và ngoài nước.
Thông minh, bản lĩnh và nhạy bén, nhận thấy việc buôn bán với nước ngoài thu được nhiều tiền hơn, ông bà đã mang hàng đi nhiều nước để giao thương. Trong một chuyến đi, đoàn thuyền của ông Ðặng Sĩ gặp bão và ông qua đời trên biển Ðông. Trong suốt ba năm chịu tang, nỗi đau mất chồng vẫn không xóa nhòa ước mơ tiếp tục công việc. Ðể quên đi nỗi đau, bà lao vào truyền nghề, làm ra nhiều sản phẩm mới với sức sáng tạo không ngờ.
Gốm Chu Ðậu dưới bàn tay tài hoa của bà Bùi Thị Hý có những nét đặc trưng riêng, đồng thời phản ánh những nét đặc sắc của người Việt thể hiện ở màu men và họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi sản phẩm đều chứa đựng thông điệp nhiều ý nghĩa, cũng như mong muốn của nghệ nhân cho cuộc sống hạnh phúc và thành đạt.
Gốm Chu Ðậu đương thời đạt được tinh hoa kỹ thuật cao nhất của gốm Việt Nam thời bấy giờ, vì vậy đây không phải dòng gốm được sử dụng phổ thông, mà được sản xuất với chức năng “ngự dụng”, tức là dành cho vua dùng và để xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Khu trưng bày sản phẩm gốm Chu Đậu đặc sắc của Việt Nam được tổ chức ngay trên đường phố tại khu vực Thủy Tạ, hồ Gươm
Khâm phục tài năng và ý chí của một người phụ nữ đã ở độ ngoài 40 khi chứng kiến bà một tay gây dựng sản phẩm gốm tinh hoa hiếm có, một doanh nhân khác ở làng Chu Ðậu là ông Ðặng Phúc đã đem lòng quý mến và kết hôn cùng bà. Từ đó bà và ông Ðặng Phúc tiếp tục phát triển gốm Chu Ðậu lớn mạnh hơn.
Trong tài liệu gia phả của dòng họ Bùi có viết về bà như sau: “Tam phiên vi chủ thương đoàn cập quốc ngoại hoán giao, đặc phẩm”, nghĩa là ba lần bà đi đến các nước để bán những sản phẩm đặc sắc do tay bà làm ra. Nhiều thông tin cho biết thêm, bà Hý biết tiếng Trung, Nhật và tiếng phương Tây, còn kết bạn với cháu gái nhà hàng hải nổi tiếng thế kỷ XV của Trung Quốc là Trịnh Hòa.
Di sản văn hóa Việt mãi vang danh
Doanh nhân, nghệ nhân Bùi Thị Hý là người có đầu óc sáng tạo vẽ kỹ thuật, mỹ thuật với kỳ tài bậc nhất làng gốm Chu Ðậu. Bàn tay tài hoa của bà cùng các nghệ nhân đã tạo cho dòng gốm Chu Ðậu đạt tới trình độ tuyệt mỹ: Ðẹp về dáng, sáng về men, hoa văn trang trí tinh xảo; đạt được bốn tiêu chuẩn mà gốm ở nhiều nơi không đạt được (mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông); thể hiện rõ tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật trong tâm hồn và phong cách con người Việt Nam.
Trong một lần làm ra chiếc bình gốm hoa lam, bà đã phóng bút viết vào sản phẩm “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”. Sản phẩm sau đó lưu lạc đến tận Thổ Nhĩ Kỳ và cũng chính từ chiếc bình này, nguồn gốc Gốm Chu đậu sau nhiều cơ duyên đã được tìm ra, bắt đầu thời kỳ phục hưng dòng gốm danh giá.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gốm sứ Chu Ðậu xứng đáng là một báu vật của quốc gia và là niềm tự hào của người Việt Nam. Nhận thấy ý nghĩa và giá trị của dòng gốm sứ hàng trăm năm lịch sử này, năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG đã quyết định thành lập Công ty cổ phần Gốm Chu Ðậu với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Ðậu.
Với niềm tự hào và trọng trách được tiếp nối nghề truyền thống của Bà tổ gốm Chu đậu, Tập đoàn BRG đã trăn trở để tìm ra những hướng đi mới, quyết liệt và táo bạo hơn, kết hợp với bàn tay tài hoa và sự sáng tạo của những nghệ nhân và người thợ làm gốm của Công ty Gốm Chu Ðậu, dòng gốm cổ Chu Ðậu đã được phục hưng thành công, tạo ra hàng nghìn sản phẩm, làm sống lại và nâng tầm cao mới của gốm Chu Ðậu xưa.
Khát khao được viết tiếp trang sử đầy tự hào của nữ doanh nhân Bùi Thị Hý, ước muốn đưa gốm Chu Ðậu với 469 năm lịch sử và nét riêng không lẫn với các loại gốm khác đi tiếp những bước dài và xa, xứng đáng với giá trị văn hóa lịch sử của gốm Chu Ðậu, Tập đoàn BRG đang gìn giữ, phát triển gốm Chu Ðậu với tất cả tâm huyết và tình yêu dân tộc, đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo khách hàng cả trong nước và quốc tế, để gốm Chu Ðậu - một báu vật quốc gia, là niềm tự hào của dân tộc, xứng đáng đại diện cho một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc nhưng luôn mở rộng cánh cửa hợp tác hội nhập quốc tế, giúp đưa hình ảnh Việt Nam được lưu danh ngàn đời sau.
Gốm Chu Ðậu như một biểu tượng văn hóa Việt, một tặng phẩm quốc gia, luôn được Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn làm quà tặng trong các dịp ngoại giao quan trọng cũng như những sự kiện đối ngoại lớn của đất nước như Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Ðà Nẵng, cuộc họp thượng đỉnh vì hòa bình tại Hà Nội…
Với nét độc đáo của sản phẩm cùng những nỗ lực mang đến sức sống mới và phát triển dòng gốm Chu Ðậu cao cấp mang đậm bản sắc văn hóa Việt, sản phẩm gốm Chu Ðậu tự hào được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ vàng “Gốm Chu Ðậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam” và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ vàng “Gốm Chu Ðậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm Châu”.