Thưa ông, có thông tin cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu đang quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai?
Trong thời kỳ hoàng kim về thu hút đầu tư trong suốt một thập niên qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã nằm trong Top đầu của cả nước. Những lợi thế tự nhiên và sự cởi mở về chính sách thu hút đầu tư đã tạo nên làn sóng nhà đầu tư ồ ạt đến với tỉnh để triển khai dự án.
Nhiều dự án trong số đó đã đi vào hoạt động, tạo nên hình ảnh mới của Bà Rịa - Vũng Tàu đối với du khách, đối tác quốc tế, như hệ thống các nhà máy thép, các nhà máy điện, các cảng nước sâu trên sông Cái Mép - Thị Vải, các dự án du lịch mang tầm quốc tế…
Bên cạnh đó, với nhiều lý do khác nhau, có nhiều dự án chậm triển khai. Để khắc phục tình trạng này, trong các cuộc giao ban định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra tiến độ thực hiện từng dự án, đề xuất giải pháp xử lý, giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, rà soát, kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư để có hướng giải quyết.
Thu hồi dự án là biện pháp xử lý cuối cùng, sau khi các cơ quan chức năng đã hỗ trợ hết sức cho nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư không thể triển khai dự án vì lý do chủ quan.
Trường hợp nhà đầu tư không thể triển khai, tỉnh cương quyết thu hồi để tạo quỹ đất nhằm thu hút các nhà đầu tư mới.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tổ chức rà soát, phân loại, xác định nguyên nhân thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư và các dự án chậm triển khai do nguyên nhân của cơ quan nhà nước để xác định danh sách các dự án xem xét thu hồi, các dự án xem xét gia hạn.
Các dự án bị thu hồi sẽ để lại những khoảng trống. Vậy tỉnh có những biện pháp gì để khỏa lấp những khoảng trống đó, thưa ông?
Sau khi thực hiện rà soát quy hoạch, đối với các khu vực được tiếp tục quy hoạch phát triển dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành tiếp tục kêu gọi đầu tư. Khu vực không tiếp tục thực hiện quy hoạch dự án, người dân sẽ sử dụng đất theo quy định trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Để lấp đầy khoảng trống do các dự án bị thu hồi tạo ra, tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp kêu gọi đầu tư, trong đó có việc đã ban hành Chỉ thị về một số giải pháp thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI trên địa bàn tỉnh.
Tinh thần của Chỉ thị này là tiếp tục khuyến khích kinh tế có vốn FDI phát triển theo quy hoạch và phù hợp với định hướng tái cơ cấu kinh tế của tỉnh; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; đa dạng hóa hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Các khu công nghiệp tập trung thu hút các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để tạo chân hàng cho cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải...
Chỉ thị này xác định nhiệm vụ của các sở, ngành trong hoạt động thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời nêu rõ vai trò của các địa phương trong xúc tiến thu hút đầu tư cũng như công tác hậu kiểm, quản lý nhà nước đối với việc thu hút, sử dụng hiệu quả các dự án FDI...