Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kéo dài cơ chế giá điện gió

Theo lý giải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, quá trình triển khai thực tế các dự án điện gió ngoài khơi khó có thể đưa vào vận hành trước tháng 11/2021 để được áp dụng giá bán điện theo quy định của Chính phủ.
Thiết bị đo gió ngoài khơi dự án điện gió HBRE Vũng Tàu đã được lắp đặt và đang tiến hành đo gió

Thiết bị đo gió ngoài khơi dự án điện gió HBRE Vũng Tàu đã được lắp đặt và đang tiến hành đo gió

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét việc gia hạn cơ chế áp dụng giá bán điện cố định theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 đến hết năm 2025 cho dự án điện gió ngoài khơi mà tỉnh đã trình bổ sung quy hoạch để làm cơ sở triển khai các bước đầu tư theo quy định hiện hành.

Theo ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có một điện gió ngoài khơi duy nhất đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, là dự án điện gió HBRE Vũng Tàu. Tuy nhiên, theo đánh giá, trong quá trình triển khai thực hiện dự án điện gió ngoài khơi khó có thể đưa vào vận hành trước tháng 11/2021 để được áp dụng giá bán điện theo quy định Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 do cho đến nay Bà Rịa-Vũng Tàu chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được phê duyệt để làm triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Không những vậy, nếu trường hợp sau khi được bổ sung quy hoạch, điều kiện lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi thì phải có kết quả đo gió được thực hiện tối thiểu trong 12 tháng. Bên cạnh đó, thi công dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, ngoài cần sử dụng công nghệ và giải pháp kỹ thuật, thi công dưới mặt nước theo mùa và thủy triều. Vì vậy, yêu cầu về thời gian chuẩn bị dự án, thi công thường dài hơn (trên 3 năm).

Ngoài ra, hiện chưa có quy định về xác định diện tích khu vực biển để tính tiền sử dụng khu vực biển dẫn đến kéo dài thời gian và gia tăng đối với phát triển dự án điện gió xa bờ.

“Từ nay đến hết tháng 10/2021, thời điểm quy định các dự án điện gió đưa vào vận hành sẽ được áp dụng cơ chế mua điện cố định. Như vậy, chỉ còn 18 tháng, không đủ thời gian cho nhà đầu tư chuẩn bị thủ tục đầu tư (bổ sung quy hoạch, giải phóng mặt bằng, lập và phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, đặt hàng/mua sắm thiết bị, đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện và các thỏa thuận khác)”- ông Quốc băn khoăn.

Điều ông Quốc băn khoăn cũng được các nhà đầu tư điện gió xác nhận, theo ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE, Chủ đầu tư dự án Điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu, hầu như các dự án điện gió đang triển khai thời điểm hiện tại rất khó về đích tháng 10/2021 mà dự kiến cuối năm 2023 mới đưa vào vận hành khai thác. “Đối với các dự án điện gió ngoài khơi chưa được phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực còn khó khăn hơn”.

Vì vậy, theo ông Lê Tuấn Quốc, việc ké dào cơ chế bán điện cố định (giá FIT) theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 ngoài việc tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc phát triển điện gió ngoài khơi xa bờ theo định hướng đã được duyệt và phù hợp với Nghị quyết số 36-NQTW; Nghị quyết số 55-NQTW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2045.

Là địa phương được đánh giá dồi dào về năng lượng gió, dự kiến hàng năm, tổng sản lượng điện gió phát ra của các dự án trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ bổ sung vào điện lưới quốc gia khoảng 2.029 GWh/năm, thay thế chi phí sản xuất điện từ nhiệt điện than, dầu có chi phí sản xuất điện cao và góp phần giảm phát thải khoảng 1,75 triệu tấn khí CO2 ra môi trường.

Tin bài liên quan