Trước đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu với xăng, dầu diesel, mazut, dầu hoả và nhiên liệu bay nhằm đảm bảo sản phẩm Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu có C/O form D/E/AK. Đồng thời để BSR ổn định được sản xuất, đảm bảo mục tiêu an toàn, hiệu quả vận hành liên tục của nhà máy, vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách cũng như ổn định thị trường.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, trước thực tế chênh lệch thuế suất quá lớn trong nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác nhau, đã có 3 phương án xử lý thuế được cơ quan chức năng tính toán.
Trong phương án 1, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với các mặt hàng xăng dầu sẽ được giữ nguyên như Thông tư 182/2015/TT-BTC. Với phương án này, việc BSR khó tiêu thụ sản phẩm hơn năm 2015 là điều nhìn thấy rõ. Đi kèm với đó là thu điều tiết cũng giảm tương ứng.
Được biết năm 2015, số thu điều tiết với BSR về ngân sách là khoảng 9.000 tỷ đồng sau khi lấy lấy mức thuế suất MFN trừ đi giá trị ưu đãi là 7% cho Nhà máy.
Ở phương án 1, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối cũng vẫn sẽ được hưởng lợi lớn so với năm 2015 khi có chứng nhận xuất xứ C/O form D/E/AK.
Nguyên nhân là mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở bán lẻ là thuế MFN, trong khi thuế nhập khẩu thực tế áp dụng là thuế suất ATIGA (Thông tư 165/2014/TT-BTC) hoặc thuế để thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (Thông tư 201/2015/TT-BTC).
Tại phương án 2, cũng chính là phương án đã được Bộ Tài chính lựa chọn với việc ban hành Thông tư 48/2016/TT-BTC, thay thế Thông tư 182/2015/TT-BTC, khi giữ nguyên mức thuế MFN với xăng là 20% và giảm về còn 7% với các mặt hàng dầu, bằng với mức cam kết của Chính phủ với BSR.
Trong phương án 2 này, NMLD Dung Quất được cho là sẽ dễ tiêu thụ được dầu diesel, mazut, nhiên liệu bay, dầu hoả so với phương án 1, nhưng lại không giải quyết được triệt để khó khăn của BSR trong việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi thuế ATIGA với các mặt hàng dầu, nhiên liệu bay về 0% từ năm 2016 này.
Ở phương án này, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu khi có chứng nhận xuất xứ C/O form D/E/AK vẫn được hưởng lợi về chính sách, do mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở bán lẻ là mức thuế MFN thấp hơn phương án 1, nhưng vẫn cao hơn so với năm 2015. Cụ thể mặt hàng xăng năm 2015 không có chênh lệch, còn năm 2016 có chênh lệch 10% khi áp dụng Thông tư 201/2015/TT-BTC; còn dầu diesel và nhiên liệu bay năm 2015 có chênh lệch 5% và năm 2016 có chênh lệch 7%.
Mặc dù đã quyết ngay giảm thuế dầu các loại nhưng một phương án khác dài hơi hơn cũng đã được tính tới bởi không chỉ có NMLD Dung Quất hoạt động mà sắp tới Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng sẽ hoạt động trong năm 2017. Sự có mặt của Lọc hóa dầu Nghi Sơn chắc chắn sẽ khiến áp lực về điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu, thu điều tiết hay thực thi các cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư sẽ không nhẹ nhàng như với NMLD Dung Quất.
Trong phương án 3 này, thuế MFN với xăng dầu được tính toán giữ nguyên như Thông tư 182/2015/TT-BTC nhưng cơ chế thu điều tiết tại Quyết định 138/2013/QĐ-TTg sẽ được sửa đổi cho phù hợp với lộ trình giảm thuế khi thực thi các FTA với ASEAN, Hàn Quốc.
Ở phương án này, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn được hưởng lợi khi có chứng nhận C/O form D/E/AK. Bởi vậy, các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, mức thuế nhập khẩu tính trong công thức giá cơ sở xăng dầu bán lẻ sẽ có thể được nghiên cứu để thay đổi và không còn tính theo mức thuế MFN. Tuy nhiên đây là chuyện vẫn tiếp tục được nghiên cứu để xử lý trong tương lai.
Như vậy, với thực tế ban hành Thông tư 48/2016/TT-BTC giữ nguyên thuế MFN với xăng và hạ về 7% với dầu các loại, có thể thấy, Bộ Tài chính đã tìm giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho NMLD Dung Quất.