Ông Nguyễn Xuân Sơn

Ông Nguyễn Xuân Sơn

Ba mục tiêu tạo thay đổi về chất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

(ĐTCK) Nâng cao sức cạnh tranh,hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đó là 3 mục tiêu xuyên suốt các đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. 

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN nhấn mạnh, với Tập đoàn, sự thay đổi về chất luôn là tiêu chí quan trọng hàng đầu. 

Xin ông cho biết, PVN đã thực hiện Đề án tái cơ cấu như thế nào?

Bên cạnh việc chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Chính phủ giao, PVN coi công tác tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tổ chức lại sản xuất - kinh doanh, phân bổ lại nguồn lực, giúp nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Đến nay, PVN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác tái cơ cấu.

Cụ thể, chuyển đổi thành công sang mô hình tập đoàn kinh tế. Xây dựng và phát triển ngành dầu khí trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đồng bộ, bao gồm: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và dịch vụ dầu khí. Trong đó, PVN tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính là tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, lọc - hoá dầu và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Công tác quản trị doanh nghiệp ngày càng hiệu quả...

Đối với công tác cổ phần hóa, giai đoạn 2004 - 2013, PVN tích cực thực hiện và về cơ bản đã hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, thu về tổng số tiền hơn 27.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2012 - 2015 và sau năm 2015, PVN chỉ còn 5 đơn vị thuộc diện cổ phần hóa/đa dạng hoá sở hữu là các đơn vị mới thành lập để quản lý, vận hành các nhà máy lọc hoá dầu, nhà máy điện, Nhà máy Phân đạm Cà Mau và Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất. Từ nay đến cuối năm, PVN phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau và thực hiện các công tác chuẩn bị để cổ phần hoá/đa dạng hoá sở hữu 3 đơn vị: Công ty TNHH một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn, Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất, Công ty mẹ -Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, đồng thời tích cực tái cơ cấu để cổ phần hoá Tổng công ty Dầu Việt Nam sau năm 2015. Sau khi tái cơ cấu, Tập đoàn chỉ còn Công ty mẹ - PVN và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí là công ty 100% vốn Nhà nước. 

Trong quá trình tái cơ cấu, PVN gặp khó khăn nhất ở khâu nào và giải pháp để khắc phục là gì, thưa ông?

Vấn đề khó nhất trong tái cơ cấu của PVN là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, không hiệu quả, dưới giá trị sổ sách kế toán; tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp thành viên cấp III, cấp IV hoạt động sản xuất - kinh doanh khó khăn.

Trong bối cảnh như vậy, PVN đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng cổ phần và thành lập Tổ công tác thoái vốn. Bên cạnh đó, bám sát các quy định, giải pháp của Chính phủ để triển khai thực hiện, kể cả việc thoái vốn dưới mệnh giá, thực hiện giải thể, phá sản doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, PVN nhận thức rõ, doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả thì việc thoái vốn mới thuận lợi và thành công. Do đó, PVN tích cực hỗ trợ, tạo việc làm, phối hợp chặt chẽ với các cổ đông khác (đối với công ty cổ phần) thực hiện các giải pháp tổng thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn.

Theo quy định, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành muộn nhất vào năm 2015, nhưng thực tế triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN. Theo ông, quyết định này đã giải quyết được các điểm “nghẽn” trong công tác thoái vốn ngoài ngành?

Chúng tôi đánh giá, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 sẽ giải quyết được những điểm nghẽn cơ bản đối với công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bước đột phá nhất đó là cho phép các doanh nghiệp được thoái các khoản vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá và gắn cổ phần hóa với niêm yết trên TTCK.

Ngay sau khi Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ra đời, PVN đã thành lập Tổ công tác để đẩy mạnh hoạt động thoái vốn. Tổ công tác họp định kỳ hàng tuần, hàng tháng và làm việc với người đại diện tại các đơn vị để thúc đẩy công tác thoái vốn.

Tuy nhiên, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg chỉ quy định một số nội dung về thoái vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính theo Đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần duy trì tỷ lệ nắm giữ theo phương án sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các tập đoàn kinh tế, ngoài việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại công ty mẹ (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), tập đoàn còn phải chỉ đạo các công ty con là các công ty cổ phần, công ty TNHH… thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên, công ty TNHH một thành viên có vốn góp của công ty mẹ vận dụng quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg để thực hiện thoái các khoản vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Như vậy, để thuận tiện cho công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cách vận dụng, đặc biệt là đối với những khoản đầu tư có khả năng sẽ phải thoái vốn dưới mệnh giá.

Xin ông cho biết, từ nay đến năm 2015, đâu là những công việc trọng tâm của PVN trong việc sắp xếp, tái cơ cấu hệ thống các đơn vị thành viên?

Như tôi đã đề cập ở trên, mục tiêu quan trọng nhất của tái cơ cấu là nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, trọng tâm tái cơ cấu của PVN sẽ tập trung vào các nội dung sau: Xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển PVN đến năm 2025, định hướng đến 2035 phù hợp với công tác tái cơ cấu. Tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh, trong đó tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo Đề án tái cơ cấu PVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổng kết đánh giá việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung Đề án để thực hiện tốt nhất mục tiêu nhiệm vụ của công tác tái cơ cấu; hoàn thành cổ phần hóa các đơn vị thành viên; thu hút thêm các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý từ các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Nâng cao quản trị doanh nghiệp; áp dụng phương thức quản trị tiên tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý; tổ chức lại sản xuất - kinh doanh, phân bổ tối ưu các nguồn lực, nâng cao sức mạnh, tầm vóc để Công ty mẹ - PVN thực hiện tốt hơn nữa vai trò định hướng, mở đường, tạo môi trường, hỗ trợ, giám sát các đơn vị thành viên nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu PVN, đâu là những kinh nghiệm cần chia sẻ và rút ra bài học, thưa ông?

Trước hết, PVN luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng, các bộ, ngành liên quan. Việc ban hành các quy định và các giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan chức năng là rất quan trọng. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu có những thay đổi nhất định (tái cơ cấu về tổ chức quản lý, về nhân sự, về tài sản, về vốn...) vì vậy, cần phải có sự đoàn kết, đồng lòng trong toàn Tập đoàn, trong đó vai trò của người đứng đầu mang tính quyết định. Cần phải đề ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể với kế hoạch toàn diện, có lộ trình chi tiết, kèm theo trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân có liên quan.

Tin bài liên quan