Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 7/6.

Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 7/6.

Bà May ra đi, để lại chức thủ tướng Anh nhiều đau khổ và Brexit mờ mịt

Sau khi bà May tuyên bố rời nhiệm sở vào ngày 7/6, câu hỏi lớn nhất lúc này là ai sẽ người kế nhiệm bà May ở nhà số 10 phố Downing, khi mà tương lai Brexit vẫn rất tăm tối.

Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 7/6, nhưng chắc chắn đó chưa phải ngày bà rời khỏi nhà số 10 phố Downing.

Theo thông lệ, khi từ chức, thủ tướng Anh vẫn sẽ điều hành chính phủ trong thời gian tìm ra người kế nhiệm. Đó là những gì ông David Cameron đã làm hồi năm 2016 và nhiều khả năng bà May cũng sẽ thực hiện vai trò tương tự.

Đảng Bảo thủ cho biết họ sẽ bắt đầu quá trình tìm kiếm lãnh đạo mới ngay từ ngày 10/6, các thành viên trong đảng sẽ bàn bạc để chọn ra một danh sách ứng viên rút gọn, dự kiến được công bố vào cuối tháng 6.

Sẽ có rất nhiều ứng viên muốn thay thế bà May, nguyên nhân là vì họ sẽ không cần tham gia một cuộc tổng tuyển cử để trở thành thủ tướng. Song điều khó khăn là làm sao để có được sự ủng hộ của nhiều thành viên đảng Bảo thủ nhất, trong bối cảnh nội bộ đảng đang tương đối chia rẽ về vấn đề Brexit.

Nhà số 10 phố Downing, văn phòng thủ tướng Anh, lại sắp đổi chủ một lần nữa vào năm 2019. Đó sẽ là "vị khách" thứ 3 kể từ năm 2011, khi chú mèo Larry bắt đầu làm việc tại đây. Ảnh: Reuters 

Lập trường chủ yếu trong đảng Bảo thủ là ủng hộ nước Anh rời EU (Brexit), nhưng điều gây chia rẽ là việc rời đi như thế nào. Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh hiện tại, một ứng viên với lập trường ủng hộ mạnh mẽ "Brexit cứng" sẽ có lợi thế hơn các ứng viên trung lập.

Boris Johnson

Cựu thị trưởng London đang là cái tên sáng giá nhất cho vị trí người kế nhiệm bà May. Khi cựu thủ tướng David Cameron từ chức vào năm 2016, đã có một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai ứng viên hàng đầu của đảng Bảo thủ lúc đó là ông Johnson và bà May. Cuối cùng thì bà May trở thành thủ tướng còn ông Johnson làm ngoại trưởng trong chính phủ của bà.

Tuy nhiên, sự hợp tác này nhanh chóng kết thúc khi ông Johnson từ chức để phản đối lập trường mà ông cho là quá mềm mỏng của bà May với Brussels.

Bản thân ông Johnson là người chọn phe "Rời đi" trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU năm 2016, nhưng những gì người ta nhớ nhất về ông là việc từng viết hai bài bình luận (một cho phe "Rời đi" và một cho phe "Ở lại"), trong khi đang quyết định nên chọn bên nào.

Ông Johnson được nhiều đồng nghiệp và nhà phân tích nhận định là người theo chủ nghĩa cơ hội. "Ông ấy được các đồng nghiệp công nhận rộng rãi là người thiếu trung thực, thiếu trung thành và không phải là người có tinh thần đồng đội", Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary London, nhận xét.

 Cựu thị trưởng London, Boris Johnson, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò về người có khả năng kế nhiệm bà May. Ảnh: Guardian.

Lợi thế của ông Johnson là tính cách có phần độc lập lại giúp ông có được sự tôn trọng nhất định trong nội bộ đảng Bảo thủ với tư cách lãnh đạo.

Từng học ở Eton Colledge rồi sau đó là Oxford (tương tự cựu thủ tướng Cameron), ông Johnson có đầy đủ những thứ đại diện cho giá trị của đảng Bảo thủ.

Không chỉ vậy, ông cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn trong nội bộ đảng, thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nói rằng ông Johnson sẽ là "một thủ tướng Anh tuyệt vời".

Michael Gove

Bộ trưởng môi trường hiện tại, ông Gove cũng là một trong những thành viên đảng Bảo thủ đứng về phe "Rời đi" trong cuộc trưng cầu dân ý 2016.

Ông được coi là người có khả năng cản đường Boris Johnson, như ông đã từng làm trước đây khi đồng ý tham gia chiến dịch tranh cử vị trí lãnh đạo đảng của ông Johnson hồi năm 2016, nhưng sau đó đổi ý ở phút cuối và tự ứng cử để đối đầu với Johnson. Điều này dẫn đến sự chia rẽ ở phe "Brexit cứng", tạo điều kiện cho bà May chiến thắng.

Bà May ra đi, để lại chức thủ tướng Anh nhiều đau khổ và Brexit mờ mịt ảnh 3

 Bộ trưởng Môi trường Michael Gove được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm. Ảnh: AFP.

Ông Gove được đánh giá là người có khả năng trình bày tốt trước quốc hội, một bộ trưởng đầy kinh nghiệm và "an toàn" hơn so với phong cách có phần cực đoan của Boris Johnson. Trong 3 năm qua, ông Gove được coi là đồng minh trung thành nhất với bà May, mặc dù giai đoạn này chính phủ của bà May tương đối hỗn loạn.

"Ông ấy nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ khá ổn từ những người vận động Brexit", Tony Travers, giáo sư chính trị tại Trường Kinh tế London (LSE), nhận định.

Jeremy Hunt

Ngoại trưởng Hunt từ lâu đã là người ủng hộ trung thành với kế hoạch Brexit của bà May. Song không giống với ông Johnson và ông Gove, ông Hunt đứng về phe "Ở lại" trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016.

Bà May ra đi, để lại chức thủ tướng Anh nhiều đau khổ và Brexit mờ mịt ảnh 4

 Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt là đồng minh trung thành kể từ khi bà May trở thành thủ tướng Anh. Ảnh: Reuters.

Mặc dù đã đổi phe và lấy lý do EU "kiêu ngạo" trong quá trình đàm phán Brexit, điều này vẫn có thể ảnh hưởng đến CV của ông cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ trong bối cảnh việc rời khỏi EU là trọng tâm của tổ chức.

Dominic Raab

Là thành viên quốc hội kể từ năm 2010, ông Raab được bà May bổ nhiệm làm bộ trưởng Brexit từ tháng 7/2018. Tuy nhiên ông từ chức vào ngày 15/11 cùng năm để phản đối bản thỏa thuận dự kiến mà chính phủ của bà May đưa ra.

Bà May ra đi, để lại chức thủ tướng Anh nhiều đau khổ và Brexit mờ mịt ảnh 5

Ông Dominic Raab, cựu bộ trưởng Brexit. Ảnh: AP. 

Là tiếng nói chống EU kịch liệt trong quốc hội, ông Raab hy vọng sẽ lấy được sự ủng hộ của các thành viên đảng Bảo thủ thông qua kế hoạch giảm thuế thu nhập cá nhân xuống mức thấp nhất lịch sử hiện đại.

Andrea Leadsom

Bà Leadsom từ chức lãnh đạo hạ viện Anh chỉ 2 ngày trước khi bà May tuyên bố sẽ từ chức, động thái được cho là mở đường để bà Leadsom tham gia vào cuộc đua vào nhà số 10 phố Downing.

Mặc dù cũng là người ủng hộ Brexit, nhưng không giống như các thành viên phía trên, bà Leadsom đã nhiều lần bảo vệ bản kế hoạch Brexit của bà May.

Bà Leadsom và bà May từng là đối thủ cạnh tranh khốc liệt: Hai người là hai cái tên cuối cùng cho cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, tức sẽ là thủ tướng Anh, hồi năm 2016 sau khi ông Cameron từ chức.

Tuy nhiên, bà Leadsom chủ động bỏ cuộc sau khi có bài phỏng vấn gây tranh cãi, trong đó tuyên bố bà là ứng viên thủ tướng tốt hơn bà May vì bà là một người mẹ (bà May không có con).

Hiện các kết quả thăm dò cũng cho thấy ông Boris Johnson đang có tỷ lệ ủng hộ cao hơn hẳn so với các ứng viên còn lại. Song ông Johnson vẫn có thể bị đánh bại nếu những người còn lại đoàn kết.

Bà May ra đi, để lại chức thủ tướng Anh nhiều đau khổ và Brexit mờ mịt ảnh 6

 Bà Andrea Leadsom từng thất bại trước bà May trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi năm 2016. Ảnh: AFP

Chủ tịch đảng Bảo thủ, Brandon Lewis, và hai phó chủ tịch của Ủy ban 1922 (cơ quan của đảng Bảo thủ lo về nội chính) đưa ra thông báo chung trong đó cho biết: "Chúng tôi hy vọng quy trình (chọn ra các ứng viên) sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6, cho phép các thành viên của đảng trên khắp nước Anh gặp mặt và đặt câu hỏi với các ứng viên, rồi bỏ lá phiếu của họ để kết quả được thông báo trước khi quốc hội bắt đầu phiên làm việc mùa hè".

Chưa có lịch làm việc chính thức của quốc hội Anh năm nay, nhưng năm ngoái hạ viện bắt đầu nhóm họp mùa hè vào ngày 24/7.

Tin bài liên quan