Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên vừa ký công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Hậu Giang về việc tổ chức thông tin tuyên truyền và tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo dự thảo do UBND TP. Cần Thơ chủ trì xây dựng, tổng hợp, hoàn thiện (trên cơ sở ý kiến góp ý, bổ sung của UBND các tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang), TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính Sóc Trăng, Hậu Giang và TP. Cần Thơ có 6.400,83 km2 (đạt 426,72% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 4.043.859 người (đạt 404,38% so với tiêu chuẩn), 99 đơn vị hành chính trực thuộc (30 phường và 69 xã).
Dự thảo nêu 3 lý do để đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thành lập là TP. Cần Thơ và 3 lý do đặt trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thành lập ở TP. Cần Thơ.
Ba lý do đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thành lập là TP. Cần Thơ
Thứ nhất, đặt tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thành lập TP. Cần Thơ là kế thừa lịch sử, truyền thống, văn hóa lâu đời. Cần Thơ là trung tâm lịch sử - văn hóa quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có bề dày phát triển lâu đời. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai mở và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang bao gồm Cần Thơ ngày nay.
Nhận thấy Trấn Giang có vị trí chiến lược để làm hậu cứ vững chắc, nên Tổng trấn Mạc Thiên Tích đã xây dựng đất Trấn Giang trên mọi lĩnh vực quân sự, kinh tế, thương mại và văn hoá... Chính đại thần Nguyễn Cư Trinh được chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát phái vào Nam từ năm 1753 sau khi gặp Tổng trấn Mạc Thiên Tích cũng rất đồng tình. Ngày 23/2/1876, Soái phủ Sài Gòn ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt Cần Thơ, với thủ phủ là Cần Thơ.
Từ đó, TP. Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong quá trình khai phá, mở rộng Nam Bộ và là một trong những đô thị phát triển sớm nhất của vùng. Việc lựa chọn tên gọi Cần Thơ không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa, mà còn kế thừa truyền thống vùng đất “gạo trắng nước trong”, nơi có sự giao thoa độc đáo của các nền văn hóa Việt - Hoa - Khmer.
Thứ hai, có tính thương hiệu cao. Là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương và được xác định là trung tâm kinh tế - tài chính - logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc lựa chọn tên gọi Cần Thơ giúp tỉnh mới tận dụng lợi thế thương hiệu, tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trung tâm kinh tế của vùng.
Thứ ba, bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trong các tên đã có, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ; việc chọn tên thành phố mới là Cần Thơ giúp giảm thiểu xáo trộn giấy tờ, tiết kiệm ngân sách, nhân lực, thời gian sau hợp nhất, qua đó bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.
Ba lý do đặt trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thành lập ở TP. Cần Thơ (tại quận Ninh Kiều)
Thứ nhất, đáp ứng tốt các điều kiện về cơ sở, vật chất và hạ tầng đô thị. TP. Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, giữ vai trò trung tâm hành chính và chính trị quan trọng của vùng, là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan Trung ương.
TP. Cần Thơ có đầy đủ hạ tầng quản lý hành chính và nguồn nhân lực, bảo đảm bộ máy của thành phố mới vận hành thông suốt, hạn chế tối đa sự xáo trộn nhân sự và tiết kiệm chi phí xây dựng mới.
Thứ hai, vị trí địa lý trung tâm, thuận lợi trong việc kết nối giao thông và liên kết vùng. TP. Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng Đồng băng sông Cửu Long, giữ vai trò đầu mối kết nối liên tỉnh. Thành phố có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng và hiện đại, kết nối chặt chẽ nội vùng và liên vùng (sân bay quốc tế Cần Thơ; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2026), Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 80, Quốc lộ 61, cầu Cần Thơ; cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui và hệ thống cảng sông...). Với hạ tầng giao thông đồng bộ và vị trí trung tâm, việc lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của thành phố mới tại Cần Thơ bảo đảm kết nối nhanh chóng, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế lâu dài, bền vững.
Theo chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ, thành phố được định hướng là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (đến năm 2030), dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, thương mại - dịch vụ, khoa học - công nghệ của các địa phương khác trong vùng; có các khu tiểu thủ công nghiệp và khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2, Hưng Phú 1 và 2; Khu công nghiệp công nghệ cao Vĩnh Thạnh; Cần Thơ có hệ thống các trường đại học mang tầm cỡ khu vực và quốc tế (Đại học Cần Thơ, Đại học Y dược, Đại học kỹ thuật - công nghệ,...); có cơ sở y tế chuyên sâu cấp vùng như Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh Ung bướu, Bệnh viện Quốc tế Vinmec Cần Thơ... Do đó, việc lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới tại Cần Thơ là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ để thành phố mới phát triển vươn tầm khu vực, quốc tế.