Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra.
Chiều 19/6, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định.
Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực sớm và thời gian sớm bao nhiêu trên cơ sở xem xét hết sức thận trọng 2 khía cạnh.
Một là tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật từ ngày 1/8/2024. Hai là mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành Luật trong trường hợp Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc luật có hiệu lực sớm khi chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết. Có ý kiến đề nghị không điều chỉnh thời gian hiệu lực của các Luật, ông Thanh báo cáo Quốc hội.
Để bảo đảm đầy đủ cơ sở, thông tin cho Quốc hội xem xét, quyết định, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật của các địa phương. Phân tích, so sánh chi phí, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đánh giá kỹ lưỡng những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội để làm rõ tính tối ưu của việc điều chỉnh hiệu lực của các luật sớm hơn so với việc giữ nguyên hiệu lực thi hành, nhất là ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, phản ứng, tâm lý của xã hội, ông Thanh nêu rõ.
Nội dung cần bổ sung được nêu tại báo cáo thẩm tra còn có đánh giá tác động về vấn đề sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Ngoài ra là tổng hợp ý kiến của đối tượng chịu sự tác động là doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các tổ chức đại diện quyền và lợi ích của các doanh nghiệp về nội dung dự án Luật.
Đáng chú ý, về điều kiện bảo đảm thi hành luật, ông Thanh chỉ rõ, đối với văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18/6/2024, mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành.
“Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan và theo đó có 2 nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành, đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ”, ông Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng phản ánh, một số địa phương quan ngại về việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm; một số địa phương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật. Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật, nhất là Luật Đất đai, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương như quy định các tiêu chí để quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương quy định tại khoản 1 Điều 126…
Có ý kiến cho rằng dù các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Trung ương được ban hành đúng tiến độ theo cam kết của Chính phủ thì các địa phương cũng khó bảo đảm điều kiện ban hành toàn bộ các văn bản thuộc thẩm quyền trước ngày 1/8/2024 – ông Thanh nói.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương, làm rõ ngoài những văn bản mà theo yêu cầu của các luật còn có những văn bản nào khác mà các địa phương phải ban hành căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư sắp được ban hành, làm rõ tác động và giải pháp xử lý, bảo đảm hiệu lực của văn bản và hiệu quả thi hành luật; dự báo khó khăn, vướng mắc và khả năng khiếu kiện của nhà đầu tư, người dân trong trường hợp chậm ban hành hoặc chất lượng chưa bảo đảm đối với các văn bản để có giải pháp phù hợp.
Phần kiến nghị, ông Thanh nhắc lại ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật.
Nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển; không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.