Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại tổ.
Sáng 20/6 Quốc hội đã thảo luận tại tổ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Tinh thần chung của nhiều đại biểu là ủng hộ các luật này, nhất là 3 luật về đất đai, nhà ở có hiệu lực sớm như Chính phủ đề xuất.
Các luật này có một tác động lớn đến nền kinh tế, triển khai sớm ngày nào chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn ngày đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).
Tuy nhiên, cũng như nhiều đại biểu khác, ông Cường lo chỉ cần một quyết định nào đó không được chính xác thì có thể dẫn đến hậu quả, đó là thách thức đại biểu phải cân nhắc.
Tiến độ chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành luật là nỗi lo chung của nhiều đại biểu.
Hiện nay mới có được một nghị định đã được ban hành, còn lại các nghị định khác hầu như chưa hoặc đang trong quá trình soạn thảo, chuẩn bị, ông Cường nêu. Nhưng, vị đại biểu này khuyến nghị không chạy đua về tiến độ mà phải chuẩn bị thực sự có chất lượng.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) nói, Luật Đất đai có 260 điều thì có 97 Điều giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân để hướng dẫn và quy định thực hiện. Trong tổng số 97 điều được giao hướng dẫn này thì hiện nay mới có được 9 nghị định đang và đã xây dựng và đang xin ý kiến, đang hoàn thiện.
“Hôm nay đã là 20/6 mà mùng 1/8 các luật có hiệu lực thì như vậy là chỉ còn có hơn 1 tháng nữa thôi là. Bây giờ với mới có 9 nghị định đang xin ý kiến mà đặc biệt là có những nghị định rất quan trọng đó là vấn đề thu hồi, giải phóng mặt bằng và tái định cư”, ông Đức phân tích.
Một nghị định nữa mới đang xin ý kiến, theo ông Đức là hướng dẫn điều 255 của Luật Đất đai, liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, liên quan đến quyền và lợi ích của người dân và các doanh nghiệp.
Tương tự, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cũng có nhiều điều phải chờ hướng dẫn, đều mới đang hoàn thiện.
“Hiệu lực thi hành của các luật đẩy lên mùng 1/8 nhưng Nghị định hướng dẫn mà chưa có thì có thực hiện được ngay không. Tôi khẳng định là rất khó, không thể thực hiện được nếu không có nghị định hướng dẫn”, ông Đức nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, tinh thần chung của các cơ quan của Quốc hội rất ủng hộ sớm đưa luật vào cuộc sống, sẽ có tác động tích cực, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, bất động sản.
Tuy nhiên, điều mà đại biểu Quốc hội băn khoăn là phải đảm bảo các luật được thông suốt khi thi hành sớm, trong đó quan trọng nhất là phải ban hành đẩy đủ các văn bản chi tiết.
"Chính phủ đã bổ sung phụ lục làm rõ tiến độ chuẩn bị và các văn bản quy định chi tiết để đồng bộ khi các luật đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực. Nhưng nói thật chúng tôi cũng rất lo và rất băn khoăn. Kể từ thời điểm Chính phủ chính thức trình dự án luật ngày 18/5 tới nay hơn một tháng nhưng chưa có văn bản mới nào của Chính phủ và các bộ để triển khai thi hành 3 luật này", ông Tùng phát biểu.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cũng bày tỏ: "Tôi không nói con số tuyệt đối ban hành 16 văn bản của Chính phủ, các bộ hướng dẫn thi hành luật Đất đai, 7 văn bản hướng dẫn thi hành luật Nhà ở và 4 văn bản hướng dẫn thi hành luật Kinh doanh bất động sản, nhưng cũng phải ban hành "đa số văn bản".
Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, cần đánh giá về tác động bất lợi khi thi hành sớm các luật. Nếu hồ sơ Chính phủ trình sớm thì các cơ quan Quốc hội sẽ thẩm tra, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, xin ý kiến nhất là các doanh nghiệp bất động sản, các địa phương, để nắm bắt các phản hồi về tác động của luật.
"Tuy nhiên, Chính phủ ngày 17/6 mới chính thức trình Quốc hội dự án luật này, hôm nay thảo luận tổ để 28/6 thông qua, không có thời gian để lấy ý kiến. Đại diện các doanh nghiệp có dự án sử dụng đất không được lấy ý kiến, làm sao đảm bảo chắc chắn không có tác động bất lợi. Trong bối cảnh này thì khi Chính phủ đã trình và cam kết thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm", ông Tùng nêu.
"Chúng tôi rất ủng hộ các luật hiệu lực sớm, nhưng trên cơ sở làm rõ các vấn đề có liên quan, báo cáo giải trình đầy đủ để các đại biểu Quốc hội yên tâm bấm nút", ông Hoàng Thanh Tùng phát biểu.