“Bà đỡ” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(ĐTCK) “Không chỉ hỗ trợ giải quyết bài toán khó khăn về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Quỹ Phát triển DNNVV (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý) còn hướng tới mục tiêu hỗ trợ tổng thể cho các DNNVV thông qua một loạt các hoạt động hỗ trợ về nâng cao quản trị nhân lực, phát triển nhân lực. Đây là sự hỗ trợ toàn diện nhất từ trước tới nay đối với khu vực này, góp phần nâng đỡ và chắp cánh cho DNNVV phát triển”

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với ĐTCK nhân sự kiện Quỹ này chính thức hoạt động. 

Hiện tại, do còn nhiều hạn chế, DNNVV chưa thực sự phát huy được vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ở thời điểm này, ông nhận định thế nào về năng lực cạnh tranh của khu vực này?

Thực tế cho thấy, khu vực DNNVV có không ít những sản phẩm chất lượng, lợi thế cạnh tranh tốt. Vì vậy, nếu có được sự trợ giúp kịp thời và đúng lúc, họ hoàn toàn có thể phát triển và cạnh tranh, không chỉ tại “sân nhà”, mà còn ở trên “sân khách”.

Do đó, vấn đề đặt ra là cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho DNNVV ngay từ “thuở sơ khai”, thời điểm mà thừa ý tưởng sáng tạo, nhưng rất thiếu vốn. 

Đây có phải là cơ sở hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với tôn chỉ: hỗ trợ một cách toàn diện đối với cộng đồng DNNVV, qua đó thực sự tạo sức bật để khu vực này có thể vươn lên và phát triển, thưa ông? 

Đúng vậy! Mục tiêu quan trọng nhất của Quỹ là tập trung hỗ trợ tối đa cộng đồng DNNVV, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, khoa học-công nghệ… là những lĩnh vực mà các DN Việt Nam đang còn yếu. Nếu muốn vươn ra thị trường, DNNVV phải phát huy hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Muốn tận dụng hết cơ hội đó, phải có hàng hóa, sản phẩm cạnh tranh cả về giá cả và chất lượng. Các DNNVV phải “khởi động” ngay từ bây giờ, nếu chậm, quá trình hội nhập sẽ khó khăn. Bởi khi điều kiện, năng lực cạnh tranh yếu, thì khó có thể bắt kịp và đứng vững trước các DN khác.

Hàng hóa sẽ không chỉ phục vụ xuất khẩu, mà còn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, tức là không chỉ là khai thác tiềm năng thị trường nước ngoài, mà còn phải giữ vững thị trường nội địa. Vì vậy, Quỹ ra đời nhằm nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như của quốc gia.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông

Xin ông cho biết, DNNVV sẽ được hỗ trợ theo tiêu chí nào?

Tiêu chí quan trọng nhất là lựa chọn những sản phẩm hàng hóa đúng với mục tiêu phát triển của đất nước. Ở đây, điều quan trọng và khác biệt so với các hỗ trợ từ trước tới nay, đó là khi DNNVV được lựa chọn hỗ trợ sẽ không chỉ nhận được các hỗ trợ tài chính thuần túy, mà còn được hỗ trợ cả về năng lực quản trị kinh doanh, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách, thị trường…, tức là những yếu tố đảm bảo cho DNNVV thành công.

Để làm được việc này, Quỹ đang kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước, các NHTM để cùng xây dựng các chương trình hỗ trợ trước và sau vay vốn như: hỗ trợ về tư vấn lập phương án sản xuất-kinh doanh, giám sát, quản trị, tài chính, đào tạo nhân lực, kết nối kinh doanh… nhằm giúp DNNVV thuộc đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ đáp ứng tốt hơn các điều kiện vay vốn của NHTM. Ngược lại, nếu DNNVV thành công thì sẽ an toàn cho hệ thống tín dụng. Hai điều này tương tác và tạo nên sự khác biệt hoàn toàn so với các gói tài chính trước đây.

Vậy việc cho vay thông qua cơ chế nào? Cơ chế này cần đảm bảo các điều kiện gì để vừa thỏa mãn nhu cầu của DNNVV, vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng, thưa ông?

Cơ chế hỗ trợ của Quỹ sẽ thông qua hoạt động ủy thác ngân hàng. Hiện Quỹ đã chọn được 3 ngân hàng đối tác, đó là BIDV, Vietcombank và một ngân hàng khác. Nếu thành công với mô hình này, sẽ mở ra cơ hội để thu hút các nguồn vốn khác, ngoài nguồn vốn từ Chính phủ, để cùng Quỹ hỗ trợ DNNVV. Hiện nay, nguồn vốn là nhiều, nhưng chưa chảy vào những kênh hiệu quả.

Về phía ngân hàng, khi hoạt động cho vay của Quỹ ổn định, sẽ tạo thành cơ sở để thẩm định, lựa chọn hợp đồng tín dụng, dự án phù hợp yêu cầu và đảm bảo an toàn tín dụng cho ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng cũng có cách tiếp cận khác, thay vì yêu cầu về tài sản thế chấp. Đây là vấn đề cực kỳ thách thức đối với DNNVV. Bởi chính vì yêu cầu này, mà DNNVV hầu như chưa tiếp cận được với những chương trình hỗ trợ tín dụng trước đây.

Tài sản thế chấp không phải là tất cả, mà chỉ là giải pháp cuối cùng. Quan trọng là phải minh bạch trong quản trị, tài chính, sổ sách, nâng cao năng lực khoa học-công nghệ, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định… Đó là những yếu tố giúp DNNVV thành công, từ đó đảm bảo khả năng thanh toán.

Tin bài liên quan