CEOHome Credit Bruce Butler: "Tôi đã ở đây 7 năm, điều gây ấn tượng nhất với tôi là người Việt Nam có tâm lý hướng về gia đình"

CEOHome Credit Bruce Butler: "Tôi đã ở đây 7 năm, điều gây ấn tượng nhất với tôi là người Việt Nam có tâm lý hướng về gia đình"

Ba điều ưu tiên của CEO Home Credit

(ĐTCK) Mang tâm lý hướng về gia đình, yêu thích câu cá tại miền Tây sông nước và gặp gỡ bạn bè, sau 7 năm sống tại Việt Nam, Tổng giám đốc Home Credit Bruce Butler đã thích nghi khá nhanh với cuộc sống nơi đây. Cũng trong khoảng thời gian này, môi trường làm việc mới, những con người mới đã khiến quan điểm kinh doanh của vị tổng giám đốc này có nhiều thay đổi.

Luân chuyển qua nhiều quốc gia, cả những nước phát triển cũng như đang phát triển, theo ông, điều khác biệt giữa hai nhóm quốc gia trong lĩnh vực tài chính là gì?

Ở các nước phát triển, khách hàng muốn được đối xử như tầng lớp cao cấp, thượng lưu. Ví dụ, khi chúng tôi cho ra mắt thẻ Amex ở Úc nhắm vào tầng lớp đại chúng thì năm đầu không ai quan tâm đến sản phẩm này. Sau đó, chúng tôi đã tái định vị phân khúc khách hàng, đưa ra những tiêu chí và điều kiện bắt buộc mà khách hàng cần phải có để chọn lọc. Theo đó, khách hàng bắt đầu khao khát để sở hữu sản phẩm này. Kết quả là, nếu năm đầu chỉ bán được 200 thẻ, thì đến năm thứ hai đã bán được 200.000 thẻ.

Đối với các quốc gia đang phát triển hay những thị trường tương tự như Việt Nam, câu chuyện thương hiệu thực sự không quan trọng lắm, nhiều khách hàng không quan tâm đến việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng nội địa nhỏ hay ngân hàng quốc tế lớn. Điều mà đa số khách hàng muốn là nhận được tiền một cách nhanh nhất và thường ít quan tâm đến giá cả, cũng như kế hoạch hoàn trả khoản vay trong tương lai.

"Tôi đã thay đổi trong quản trị công ty, nhận định chính mình như là khách hàng định hướng công ty"

Điều này đồng nghĩa với việc công ty dễ nhận rủi ro trong tương lai nếu không có giải pháp quản trị chặt chẽ?

Tôi muốn chia sẻ thêm, đó là có rất nhiều sự khác nhau giữa quốc gia phát triển và đang phát triển trong vấn đề này. Ví dụ ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, người dân có xu hướng đến các thành phố lớn để làm việc, dễ di chuyển chỗ ở hoặc đột ngột bỏ về quê.

Như vậy, các ngân hàng, công ty tài chính sẽ bị mất tiền vì không biết người vay tiền đã đi đâu. Còn ở các khu vực phát triển như Singapore, Hồng Kông hay Úc, người dân thường gắn bó với nơi ở, nơi làm việc và ít di chuyển, nếu có di chuyển thì thông tin vẫn được ghi nhận cụ thể.

Quản lý rủi ro ở các nước phát triển hoạt động hiệu quả hơn các nước đang phát triển. Ví dụ tại quê hương tôi – Úc, chỉ có duy nhất một trung tâm tín dụng có nhiệm vụ kết nối với tất cả các tổ chức tín dụng khắp cả nước và dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực tế. Bạn có thể biết ngay một người đang sử dụng thẻ tín dụng hay rút tiền ở ATM và đây là những thông tin rất quan trọng để ngân hàng có thể quản lý rủi ro.

Trong khi đó, ở Việt Nam cũng có Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) nhưng các tổ chức tín dụng lại đưa dữ liệu vào cuối tháng và một số tổ chức tín dụng chẳng muốn chia sẻ thông tin nên hệ thống dữ liệu tín dụng ở đây khá cũ và doanh nghiệp không thể phản ứng kịp thời. Tuy vậy, tin tốt là hiện tại các ngân hàng cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến và thương mại điện tử đang phát triển nên CIC có thể ghi nhận nhiều dữ liệu theo thời gian thực tế hơn.

Có điều gì mà ông cho rằng, nếu được áp dụng thành công có thể giúp không chỉ các công ty mà cả nền kinh tế Việt Nam?

Đó là thu hồi nợ. Ở những quốc gia mà tôi đã từng làm việc, công ty thu hồi nợ có thể là một công ty tư nhân cung cấp các dịch vụ thu hồi nợ. Tuy nhiên ở Việt Nam, tôi không rõ tại sao công ty thu hồi nợ bắt buộc phải là công ty luật. Công ty luật sẽ lấy nhiều chi phí hơn công ty chuyên thu hồi nợ. Các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đều mong muốn phục vụ tất cả khách hàng nhưng điều quan tâm nhất là chi phí thu hồi nợ quá cao và tại sao họ không thể thuê những công ty độc lập bên ngoài để làm điều đó? Nếu được vậy, họ có thể hoàn toàn tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm tài chính tốt cho khách hàng.

Ở các quốc gia khác, ngay cả Ấn Độ và Thái Lan, việc ngân hàng hay các công ty tài chính ủy thác việc thu hồi nợ cho một công ty thứ ba là chuyện bình thường. Home Credit vẫn có bộ phận thu hồi nợ, tuy nhiên với những trường hợp quá khó, chúng tôi vẫn nhờ những công ty chuyên thu hồi nợ để hỗ trợ xử lý.

Tại Việt Nam, chúng tôi có 2.000 nhân viên thu hồi nợ và điều đó làm tăng chi phí hoạt động của Công ty lên rất nhiều. Điều này sẽ làm cản trở các tổ chức tài chính như chúng tôi phục vụ nhiều người hơn và lấy đi cơ hội tiếp cận nguồn vốn hợp pháp của nhiều người nghèo.

Có điều gì trong cách sống của người Việt Nam gây ấn tượng với ông?

Tôi đã ở đây 7 năm, điều gây ấn tượng nhất với tôi là người Việt Nam có tâm lý hướng về gia đình. Tôi thích nhìn cảnh ông bà, cha mẹ và con cái dành thời gian quay quần bên nhau hay ông bà chăm cháu để bố mẹ đi làm.

Điều đó không có ở đất nước tôi vì ông bà bận rộn với kế hoạch của riêng mình và con cái không sống chung nhà với bố mẹ nữa sau 18 tuổi. Điều này cũng có những tác động nhất định đến định hướng của tôi trong việc quản trị doanh nghiệp.

So với những ngày đầu thành lập công ty và hiện tại, ông có thay đổi gì về quan điểm kinh doanh không?

Trong những năm đầu công ty thành lập, thú thật tôi tập trung nghĩ nhiều đến việc làm sao để có thật nhiều khách hàng mà chưa thật sự đầu tư vào việc tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng của khách hàng. Trong khi đó, bất kể ở quốc gia phát triển hay đang phát triển, khách hàng luôn đóng vai trò rất quan trọng và cho dù khách hàng đã rời khỏi doanh nghiệp nhưng chúng ta vẫn luôn cần khách hàng quay trở lại sau đó.

Do vậy, tôi đã thay đổi trong quản trị công ty, nhận định chính mình như là khách hàng định hướng công ty. Sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu mà tôi đặt ra và hướng đến.

Người Việt Nam cũng khá “linh hoạt” trong công việc. Điều này có làm cho ông cảm thấy khó khăn để thích nghi?

Về pháp luật nói chung, tôi cảm thấy nên có nhiều quy định rõ ràng và chi tiết để trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể áp dụng một cách triệt để. Lấy ví dụ về việc đi lại, điều khiến tôi cảm thấy lo sợ nhất khi ở Việt Nam. Tôi thấy nhiều người chạy xe ngược chiều, đi rất nhanh và ẩu. Tôi chỉ tự hỏi tại sao lại phá vỡ luật lệ, họ có nhận định giá trị cuộc sống như thế nào khi làm những điều rất nguy hiểm cho bản thân mình và người khác. Ở đất nước của tôi, những người như vậy sẽ bị phạt, phương tiện bị tịch thu và tiêu hủy. Tôi nghĩ luật pháp nên khắt khe ở điều này.

Trước đây, Việt Nam đã có những quy định rõ ràng về sự thay đổi cho người điều khiển xe máy, như quy định về việc đội nón bảo hiểm. Khi Chính phủ khắt khe trong luật pháp thì người dân sẽ tuân theo thực hiện và bây giờ, mọi người đã đội nón bảo hiểm ngay khi di chuyển một đoạn đường ngắn.

Làm việc trong môi trường tài chính áp lực, ông có biện pháp nào để cuộc sống cá nhân không bị ảnh hưởng quá nhiều?

Bạn có thể lựa chọn chấp nhận căng thẳng hoặc tìm kiếm giải pháp để giải tỏa điều đó, nhưng đối với tôi, quan trọng là tập trung vào mục tiêu hướng đến trên cơ sở thiết lập các điều ưu tiên. Cụ thể như, thứ nhất, thiết lập thời gian làm việc từ 8h sáng đến 6h tối, nghĩa là cố gắng rời khỏi văn phòng đúng giờ để có thời gian dành cho gia đình và bản thân. Và bạn cũng thấy đó, ở Việt Nam, văn hóa gia đình rất là quan trọng.

Thứ hai, cần chắc chắn rằng, luôn dành thời gian cho chính mình, điều này đối với tôi là chơi golf và tham gia hỗ trợ các hoạt động từ thiện.

Thứ ba, đi du lịch khắp Việt Nam và thưởng thức ẩm thực. Tôi thích du lịch miền Tây Nam Bộ và Cần Thơ là địa điểm tôi thường lựa chọn, bởi câu cá là điều tuyệt vời ở nơi này và hơn thế, tôi có nhiều người bạn tốt ở đó. Tôi thích việc thu xếp để hai tháng đến Cần Thơ một lần.

Ông có bao giờ nghĩ đến một ngày nào đó không làm việc trong lĩnh vực tài chính?

Có thể tôi sẽ trở về công việc kinh doanh của gia đình là sản xuất rượu vang hoặc trở thành hướng dẫn viên du lịch. Tôi nghĩ rằng điều này thật  tuyệt vời vì vừa có thể kiếm thêm thu nhập, được làm quen với nhiều người bạn mới và vừa được đi du lịch khắp nơi.

Tin bài liên quan