Ba điểm tích cực trong bội chi ngân sách

Ba điểm tích cực trong bội chi ngân sách

Khác với cùng kỳ 2 năm trước, thu - chi ngân sách 5 tháng đầu năm nay đã đạt những kết quả tích cực. Kết quả này có thể được nhận diện dưới nhiều góc độ.

Thu ngân sách đạt khá cao so với dự toán đề ra cho cả năm. Tỷ lệ khá cao này đạt được ở cả tổng thu (đạt 41,7%) và các khoản thu chủ yếu: thu nội địa (đạt 42,1%), thu từ dầu thô (đạt 49,9%) - cao hơn tỷ lệ thực hiện chung. Riêng thu cân đối ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất khẩu đạt 36,9%.

Trong thu nội địa, thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 75.300 tỷ đồng, đạt 40,8% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49.800 tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán năm; thu thuế công, thương nghiệp ngoài nhà nước đạt 47.300 tỷ đồng, bằng 44,1%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 21.600 tỷ đồng, bằng 45,7%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 4.200 tỷ đồng, bằng 33,2%; thu phí và lệ phí đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 36,8%.

Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng khá này đạt được ở cả tổng thu và ở cả các khoản thu chủ yếu, như thu nội địa, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất khẩu.

Tổng chi ngân sách so với dự toán năm đạt 36,8% dự toán năm, thấp hơn so với dự toán năm của tổng thu (41,7%); so với cùng kỳ năm trước cũng thấp so với tốc độ tăng tương ứng của tổng thu. So với dự toán năm, chi trả nợ và viện trợ đạt 37,6%, chi đầu tư phát triển đạt 37,3%, chi sự nghiệp đạt 37,7%.

Do tỷ lệ và tốc độ tăng tổng thu ngân sách nhà nước cao hơn của tổng chi ngân sách nhà nước, nên bội chi ngân sách 5 tháng đầu năm nay có 3 điểm tích cực.

Thứ nhất, bội chi ngân sách 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, bội chi ngân sách 5 tháng bằng 19,8% dự toán cả năm, thấp hơn so với tỷ lệ thực hiện dự toán năm của tổng thu và của tổng chi.

Thứ ba, bội chi ngân sách nhà nước so với GDP quý I đạt 4,9%, thấp hơn tỷ lệ theo mục tiêu đề ra cho cả năm (5,3%).

Đạt được kết quả như trên là nhờ nhiều yếu tố. Trước hết, đó là kết quả tích cực của kinh tế vĩ mô. Trong đó, tăng trưởng có nhóm ngành dịch vụ cao hơn cùng kỳ 2 năm trước và cao hơn tốc độ tăng chung. Hiệu quả đầu tư có tín hiệu khả quan, khi tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP quý I đạt thấp (28,4%), nhưng tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn. Tốc độ tăng năng suất lao động so với cùng kỳ năm trước đạt khá hơn (tăng khoảng 3,18%). Xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu (15,4% so với 9,6%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2014 so với tháng 12/2013 chỉ tăng 1,08% - mức thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm qua…

Bên cạnh đó là sự cố gắng trong công tác chống trốn lậu thuế, nợ đọng thuế của các cấp, các ngành. Tỷ lệ tổng thu ngân sách nhà nước so với GDP quý I vẫn rất cao (đạt 25,9%).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác thu - chi ngân sách nhà nước hiện còn có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Trong đó, bất cập và cũng là thách thức lớn nhất là hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Chiếc “bánh” GDP - hiệu quả chung của nền kinh tế - vẫn còn nhỏ, nên tỷ lệ tổng thu/GDP cao thì trái với chủ trương “khoan sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”…

Trong khi đó, hai nhóm ngành kinh tế thực là nông - lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp. Tỷ trọng thu nội địa vẫn còn ở mức thấp (mới đạt 69,6%), trong khi 30,4% là thu từ dầu thô và cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tình trạng thất thu do buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá…, nợ đọng thuế diễn ra phổ biến, thường xuyên với quy mô còn lớn. Tỷ trọng chi ngân sách cho đầu tư phát triển mới chiếm 16,4% tổng chi...

Để khắc phục bất cập trên, cần thực hiện cả 2 nhóm biện pháp.

Trước hết, cần làm cho chiếc “bánh” GDP to ra để tăng giá trị tuyệt đối của các ngành kinh tế. Đồng thời, cần thu đúng, thu đủ, chống thất thu, chống trốn lậu thuế, chống chuyển giá, chi tiết kiệm tránh lãng phí, thất thoát để giảm bội chi, giảm yếu tố tiềm ẩn của lạm phát.

Tin bài liên quan