Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil.
Trong phiên xét xử hôm nay, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM thực hiện quyền công tố, luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án (Công ty Xuyên Việt Oil).
Theo đó, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) bị đề nghị 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", 10-12 năm tù về tội "đưa hối lộ". Tổng hợp hình phạt 30 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (cựu Phó giám đốc Xuyên Việt Oil) bị đề nghị 6-7 năm tù tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Bị cáo Lê Đức Thọ bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đề nghị 15-15 năm 6 tháng tù về tội "nhận hối lộ" và 13-13 năm 6 tháng tù "lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Tổng hợp hình phạt 28-29 năm tù.
Đối với nhóm tội “nhận hối lộ”, có 7 bị cáo, bị Viện kiểm sát đề nghị: Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) 7-8 năm tù; Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) 7-8 năm tù.
Bị cáo Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục thuế TP.HCM) 6-7 năm tù; Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn) 4-5 năm tù; Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) 4-5 năm tù.
Bị cáo Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đề nghị mức án thấp 3-4 năm tù; Đặng Công Khôi (cựu Phó cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính) 2-3 năm tù.
Về nhóm tội “đưa hối lộ”, còn có 5 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đề nghị: Nguyễn Văn Thắng (cựu Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội - Xuyên Việt Oil) 4-5 năm tù; Đồng Xuân Dũng (lao động tự do) 30-36 tháng tù
Bị cáo Vũ Trung Thành (cựu Giám đốc Vietinbank chi nhánh Thanh Xuân) bị đề nghị 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Đinh Tiến Dũng (cựu kế toán Công ty Xuyên Việt Oil) 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Tấn Long (cựu Trưởng phòng kinh doanh Xuyên Việt Oil) 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Các bị cáo tại toà. |
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM ghi nhận tình tiết giảm nhẹ đối với nhiều bị cáo như: Đỗ Thắng Hải, có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác; Nguyễn Lộc An, thành khẩn khai báo, các thành tích xuất sắc trong công tác; Nguyễn Văn Thắng đã nộp khắc phục hậu quả hơn 1 tỷ đồng.
Bị cáo Đồng Xuân Dũng, dù không phải chịu trách nhiệm dân sự nhưng bị cáo cũng đã vận động gia đình nộp 20 triệu đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án. Tương tự, bị cáo Vũ Trung Thành phạm tội đưa hối lộ, không phải chịu trách nhiệm dân sự nhưng vẫn nộp tiền để khắc phục, có văn bản xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong nhóm bị cáo vi phạm tội “nhận hối lộ”, Viện Kiểm sát cũng ghi nhận tình tiết giảm nhẹ khi nhiều bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả như bị cáo Đỗ Thắng Hải.
Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Đỗ Thắng Hải (Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) với vai trò trực tiếp phụ trách cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Hải đã nhận 50.000 USD (1,139 tỷ đồng) từ Mai Thị Hồng Hạnh để tạo điều kiện cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty Xuyên Việt Oil. Bị cáo và gia đình đã nộp tiền khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác điều tra, và có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.
Bị cáo Lê Duy Minh đã nộp lại toàn bộ số tiền hơn 4,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo có quá trình công tác tốt, được nhận nhiều bằng khen và giấy khen, nên Viện Kiểm sát đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Đặng Công Khôi cũng đã nộp 20.000 USD để khắc phục…
Đại diện Viện Kiểm sát ghi nhận sự khắc phục hậu quả của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, đề nghị bị bị cáo bồi thường hơn 1.400 tỷ đồng; tiếp tục kê biên nhiều tài sản và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo việc thi hành án.
Đại diện Viện kiểm sát nhận định, hậu quả của hành vi của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại lớn về tài chính mà còn làm xói mòn niềm tin xã hội. Dù bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả, số tiền khắc phục được không đáng kể so với thiệt hại gây ra.
“Bị cáo Hạnh đóng vai trò chủ mưu, không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn trực tiếp chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi đưa hối lộ”, đại diện Viện Kiểm sát nhận định.
Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị bị cáo Đỗ Thắng Hải phải nộp thêm 100 triệu đồng; Lê Đức Thọ phải nộp thêm 100 triệu đồng; Đặng Công Khôi nộp thêm 50 triệu đồng… để nộp vào ngân sách Nhà nước.
Theo Viện Kiểm sát, các hành vi trên không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn làm suy yếu sự minh bạch và niềm tin vào các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX cân nhắc mức độ vi phạm, vai trò của từng bị cáo, cũng như các yếu tố giảm nhẹ và khắc phục hậu quả để đưa ra phán quyết công bằng, đúng pháp luật.