Bà chủ Ruby "tố" bị 2 đại gia lừa đảo

Bà chủ Ruby "tố" bị 2 đại gia lừa đảo

Mới đây, Báo Đầu tư đã nhận được đơn, thư của bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc CTCP Công nghệ Ruby (Ruby) tố cáo ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc CTCP Thiết bị vật tư y tế (Themco) và ông Đỗ Đức Ty, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển đô thị - CTCP (Đầu tư phát triển đô thị) về một số hành vi lừa đảo, chiếm đoạt, hủy hoại tài sản tại mặt bằng Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp máy tính tại Khu A, Khu công nghiệp (KCN) Lễ Môn (Thanh Hóa).

Lý do tố cáo của Ruby

Cùng với đơn tố cáo của bà Thủy, còn kèm theo các giấy tờ chứng minh tài sản “hợp pháp”, bao gồm Giấy chứng nhận đầu tư số 26221000090 do Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn ký ngày 25/1/2011; Hợp đồng thuê lại đất số 56/HĐTLĐ ngày 25/4/2011; Văn bản số 107/SIAC-TH ngày 27/8/2012 của CTCP Thông tin và Thẩm định giá Tây Nam Bộ - Chi nhánh Thanh Hóa về việc phân định tiền đền bù tài sản trên đất tại Dự án...

Cũng theo đơn tố cáo, đại diện Ruby đã trình bày có việc ký thỏa thuận chuyển nhượng số tài sản gắn liền trên đất của diện tích 15.000 m2 cho Themco, với mức giá chuyển nhượng là 9 tỷ đồng. Đây là phần mặt bằng mà phía Themco dự kiến liên doanh với các đối tác Thái Lan để triển khai Dự án Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật tư y tế và dung dịch lọc thận.

Bà chủ Ruby "tố" bị 2 đại gia lừa đảo ảnh 1

Ruby cũng cho rằng, ông Nguyễn Văn Thi đã có hành vi lừa đảo khi mang tài sản nhà đất nhận chuyển nhượng để đưa vào góp vốn liên doanh với đối tác nước ngoài, nhưng không hề thanh toán cho Ruby theo thỏa thuận mà hai bên đã cam kết.

Ruby còn tố cáo ông Thi đã cấu kết với ông Đỗ Đức Ty, khi hai bên chuyển nhượng một phần diện tích mặt bằng này để đổi lại, Themco sẽ thực hiện dự án tại mặt bằng Khu E (KCN Lễ Môn).

Đơn thư cũng nêu diễn biến vụ việc trong các ngày 27, 28 và 29/10/2013, khi Công ty Đầu tư phát triển đô thị cho máy xúc vào khu vực mặt bằng Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp máy tính; đã hủy hoại tài sản trên đất tại đây.

 

Và những phản pháo

Được biết, Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp máy tính đã hai lần được cấp phép đầu tư. Sau hơn 1 năm, kể từ ngày nhận giấy phép cấp lần thứ hai, dự án vẫn tiếp tục... giậm chân tại chỗ. Ngày 16/3/2012, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn đã ra Quyết định số 38/QĐ-BQLKKTNS về việc chấm dứt hiệu lực pháp lý của giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Ruby. Như vậy, sau hơn 8 năm, với 2 lần cấp rồi lại rút phép đầu tư, Dự án này vẫn... nằm trên giấy.

Ông Thi cho biết, tại buổi làm việc giữa hai bên, bà Thủy đã thông báo về việc Ruby đã nộp trước tiền thuê đất trong thời hạn 49 năm và yêu cầu phía Themco bồi hoàn lại số tiền này, cùng với giá trị của một số tài sản đã hình thành trên đất.

Ngày 1/3/2012, Themco và Ruby cùng ký biên bản thỏa thuận về việc bồi hoàn giá trị tài sản trên đất (tương đương 6 tỷ đồng trên diện tích 10.000 m2). Kèm theo đó, Ruby phải cung cấp cho Aeonomed Việt Nam (liên doanh giữa Themco và Công ty Aeonmed - Thái Lan) các hồ sơ thiết kế nhà máy và nhà ở hiện có trên đất...

Tuy nhiên, 3 ngày sau đó, sau khi tìm hiểu và xác minh cụ thể, Themco đã có Công văn số 77/CV-Themco thông báo về việc hủy biên bản thỏa thuận đã ký với Ruby trước đó. Đại diện Themco khẳng định: “Khu đất này chưa được Ruby thanh toán tiền thuê đất trong vòng 49 năm, trái với điều bà Thủy đã nói. Công ty Ruby cũng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với các bên liên quan về việc sử dụng cơ sở hạ tầng cho đến thời điểm hiện tại. Hơn nữa, Công ty Ruby không được phép mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất trên với các công ty khác”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Đức Ty cho biết, Công ty Đầu tư phát triển đô thị không có bất cứ mối quan hệ kinh tế nào với Ruby; mọi thủ tục pháp lý đều được đơn vị này làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước và được cấp đầy đủ văn bản pháp lý, như giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch; hợp đồng thuê lại đất… để thực hiện dự án tại mặt bằng này.

 

Bên thứ ba nói gì?

Ông Hứa Duy Sách, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Hóa (TIIDC) - đơn vị quản lý khai thác hạ tầng KCN Lễ Môn cho biết, trong Hợp đồng thuê lại đất số 56/HĐ-TLĐ ký ngày 25/4/2011 giữa TIIDC và Ruby đã nêu rõ tại điều 9, khoản 2. Hợp đồng thuê lại đất hết hiệu lực trong một số trường hợp, như hết thời hạn, bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giải thể, phá sản trước thời hạn…

Ông Sách cho biết thêm, sau khi Ban Quản lý KKT Nghi Sơn thu hồi giấy phép đầu tư của Công ty Ruby, TIIDC đã có gửi nhiều lần thông báo đến Ruby để giải quyết, nhưng đại diện Ruby luôn vắng mặt.

Để thực hiện chủ trương kêu gọi nhà đầu tư mới, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn đã thuê công ty tư vấn đánh giá tài sản kiểm kê và định giá toàn bộ tài sản trên đất, đồng thời phần tài sản này sẽ do nhà đầu tư mới hoàn trả (tổng giá trị tài sản là hơn 2 tỷ đồng, được chuyển vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, chờ Ruby đến nhận). Ông Sách còn cho biết, kể từ khi được cấp phép lần hai và ký Hợp đồng thuê lại đất số 56/HĐTLĐ, Công ty Ruby chưa một lần thanh toán số tiền thuê đất hàng năm, hiện tại, còn nợ TIIDC hơn 239 triệu đồng.

“Việc chấm dứt hợp đồng thuê lại đất với Công ty Ruby và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư mới là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật, với đầy đủ cơ sở pháp lý có liên quan”, ông Sách nói và khẳng định, Công ty Ruby kiện ông Đỗ Đức Ty là nhà đầu tư mới là “không có cơ sở pháp lý”.

Để chứng minh ai đúng - ai sai trong vụ này, đồng thời chính thức khép lại vụ việc, thiết nghĩ cần sớm có sự “vào cuộc” của cơ quan có thẩm quyền.