Lại rộ tình trạng nhái thương hiệu
Sau thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản dần sôi động trở lại thì cũng là lúc các chủ đầu tư lớn, các thương hiệu có uy tín phải “đau đầu” với tình trạng bị nhái thương hiệu.
Ngoài việc đăng tải Thông báo đính chính lên website của công ty, gửi tin nhắn hoặc gọi điện phản hồi trực tiếp tiếp tới khách hàng, một số lãnh đạo doanh nghiệp còn sử dụng mạng xã hội để lên tiếng cảnh báo rộng rãi tới các nhà đầu tư.
Cụ thể, ngày 25/5, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land (thành viên của Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc) đã đăng tải trên trang cá nhân của mình về việc hình ảnh dự án VanPhuc City bị gắn vào một dự án khác có tên “Bảo Phú Residence” để chạy quảng cáo bán hàng.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land đã không khỏi "giật mình" khi thấy hình ảnh dự án VanPhuc City bị gắn tên vào một dự án khác |
Trước đó, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đã phải lên tiếng cảnh báo khi có thông tin các Công ty mới thành lập cố tình nhái theo thương hiệu Vạn Phúc, Đại Phúc hay Dai Phuc Land nhằm khiến khách hàng nhầm tưởng.
Đó là, một doanh nghiệp có tên Công ty cổ phần Địa ốc Vạn Phúc New đã gửi thông báo chào bán dự án mang tên Hòa Long Riverside.
Hay tại sự kiện giới thiệu Dự án Long Hội Central Point, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Phước (Dai Phuoc Group) đã sử dụng logo gây nhầm lẫn với Dai Phuc Group (Công ty thành viên của Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc).
Mới đây nhất, trên các diễn đàn môi giới lại xuất hiện thông tin về dự án đất nền mang tên “Khu đô thị Vạn Phúc Nam Sài Gòn”. Khiến khách hàng rất dễ nhầm lẫn với dự án “Khu đô thị Vạn Phúc” của Tập đoàn này.
Theo bà Nguyễn Hương, đường dây nóng của Công ty có ngày đã nhận khá nhiều cuộc điện thoại, hoặc khách đến tận nơi để hỏi thông tin. Công ty đã phải cảnh báo, nhắc nhở khách hàng về những trường hợp mạo danh này. Tuy nhiên sẽ vẫn có nhiều khách hàng không xác minh lại thông tin mà sẽ theo các thông tin quảng cáo, dẫn đến rủi ro khôn lường khi giao dịch với những đơn vị này.
Trên thực tế, các tình trạng này tiếp diễn ngày một nhiều hơn khiến khách hàng hoang mang thật giả lẫn lộn. Làm cho niềm tin khách hàng vào thị trường ngày càng suy giảm. Hàng chục thương hiệu lớn cũng đã liên tục bị mạo danh trong thời gian dài, có những trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Đơn cử như trường hợp xảy ra với một số doanh nghiệp có tiếng khác như Him Lam, Novaland, Trần Anh, Phú Đông…
Cần có chế tài xử lý nghiêm
Nhận xét về tình trạng nhái tên thương hiệu, dự án trên thị trường hiện nay, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, việc doanh nghiệp địa ốc bị xâm phạm thương hiệu đến từ nhiều khía cạnh và khá phổ biến. Mặc dù đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị xâm hại.
Nguyên nhân bởi, các doanh nghiệp cố tình nhái thương hiệu thường có tính toán rất kỹ. Các doanh nghiệp này lập dự án hoặc tên công ty gần giống hoặc na ná tên một doanh nghiệp lớn và logo cũng khác so với logo của doanh nghiệp mà họ nhái.
Đại Phước Group sử dụng logo gây nhầm lẫn với Đại Phúc Group |
Bức xúc trước thực trạng này, bà Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, đã đến lúc cần sự chế tài mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước để chấm dứt tình trạng này.
“Những hành động xâm phạm thương hiệu như thế này cần được chấn chỉnh để trả lại sự công bằng cho các bên bị hại. Cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính thật nặng, rút giấy phép, ngưng cho hành nghề thậm chí truy tố nếu gây hậu quả nghiêm trọng…, như vậy thị trường mới bớt loạn”, bà Hương nhấn mạnh.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, để thực thi các quy định pháp luật về quyền sở hữu tốt hơn cũng như giúp các doanh nghiệp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình, cần có văn bản giải thích rõ ràng thế nào là “nhãn hiệu, dấu hiệu khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó”.
Theo Luật sư Tuấn, việc này có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực thi một cách chủ động và chính xác. Đồng thời cũng hạn chế tình trạng phải trưng cầu giám định, rút ngắn thời gian xử lý, bảo đảm quyền lợi của chủ văn bằng.
Biện pháp nữa là tăng mức tiền xử phạt hành chính, yêu cầu về tính minh bạch trong xử lý vi phạm hành chính. Để đáp ứng được yêu cầu này, nhất thiết các số liệu và thông tin có liên quan phải được công bố công khai.
Thậm chí, những hồ sơ của các khoản phạt hành chính, thông tin liên quan đến đối tượng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cũng phải được minh bạch hơn. Điều này ở một mức độ nhất định có tác dụng trong việc ngăn ngừa và cảnh báo hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.