Nhiều người nói rằng trẻ con sinh ra trong hoàn cảnh khó nghèo sẽ có ý thức làm việc chăm chỉ khi chúng lớn lên, tương lai sẽ còn khá hơn con nhà giàu.
Tuy nhiên, một thực tế từng được đúc kết trong các cuốn sách cũng cho thấy, trẻ sinh ra trong gia đình giàu lớn lên sẽ luôn tự tin nắm bắt mọi cơ hội.
Không thể phủ nhận rằng trẻ sinh ra trong gia đình có kinh tế, điều kiện sống tốt luôn là trẻ có bước khởi đầu tốt hơn. Một ví dụ dưới đây cho thấy, khi bước vào môi trường làm việc đầu tiên, người sinh ra trong gia đình giàu luôn có nền tảng, cơ hội hơn:
Công ty tuyển dụng hai sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, là Văn Văn và Lệ Lệ. Văn Văn tính cách vui vẻ, lạc quan, luôn ăn mặc tươi sáng, thích "buôn chuyện" với đồng nghiệp mới, quan hệ với mọi người khá tốt. Trái ngược, Lệ Lệ sống nội tâm, giản dị và làm việc rất chăm chỉ.
Một ngày, cấp trên muốn chọn một trong hai người cho vị trí tổng thư ký, nên yêu cầu cả hai lên kế hoạch cho buổi họp đại lý hàng năm. Cả hai đều hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên bản dự trù chi phí của Lệ Lệ thấp hơn nhiều. Ai cũng nghĩ cấp trên sẽ nhắm Lệ Lệ, vì cô tiết kiệm cho công ty.
Tuy nhiên, sau đó, sếp đã nhận xét tỉ mỉ: "Bản báo cáo cho thấy kiểm soát chi phí của Lệ Lệ rất tốt, tất cả các khoản chi phí dự trù nhà hàng, khách sạn... đều được lập rõ ràng để chuẩn bị ngân sách. Tuy nhiên, công ty chúng ta là một công ty tốt nhất trong ngành, cần có một chút 'rộng tay', nhằm thể hiện sự trang trọng với các cổ đông".
Sau nhiệm vụ này, Văn Văn được vị trí thư ký tổng giám đốc, còn Lệ Lệ được chuyển tới bộ phận tài chính. Sự nghiệp của hai cô gái từ đó rẽ hướng: Văn Văn làm việc linh hoạt, có nhiều cơ hội, ngày một thăng tiến, trong khi Lệ Lệ là một nhân viên mẫn cán của phòng tài chính.
Ngược lại thời gian để nhìn lại quá trình nuôi dạy hai cô gái của cha mẹ họ. Văn Văn là điển hình của kiểu con nhà khá giả, trải qua những tháng ngày cuộc sống thuận lợi, vui vẻ, cha mẹ có điều kiện kinh tế để giúp con có cơ hội hướng đến nhiều trải nghiệm của cuộc sống.
Trái ngược, Lệ Lệ sinh trưởng trong một gia đình nông thôn nghèo, do đó rất nỗ lực học hành.
Cha mẹ trình độ học vấn thấp, lại xuất phát vùng nông thôn nên rất tiết kiệm, cũng yêu cầu con tằn tiện, không tiêu tốn tiền bạc. Sự khác biệt trong xuất phát điểm gia đình như vậy đã dẫn đến những phát triển khác nhau về nghề nghiệp, sự nghiệp, khi cả hai bước vào xã hội.
Vậy, sự khác biệt tư duy giữa những đứa trẻ nhà giàu, và nhà nghèo là gì? Có ba điểm có thể thấy rõ dưới đây:
1. Con nhà giàu lạc quan và tự tin hơn
Trẻ em xuất thân từ gia đình nghèo thường phải chịu những cái nhìn thiếu ưu ái, thậm chí là khinh miệt từ một bộ phận xã hội.
Khi một đứa trẻ nghèo mặc một bộ đồ không đẹp bằng những đứa trẻ khác, nó có thể bị chế giễu, bị so sánh, dần dần dẫn đến tâm lý tự ti. Về lâu dài, điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến hành trình tương lai của trẻ. Trẻ không thể phát triển tốt nếu lúc nào cũng mặc cảm tự ti.
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ hiểu biết hạn chế, sự tằn tiện quá mức của cha mẹ khiến trẻ vô tình sai lầm về nhận thức: tiền không được chi cho những thứ phù phiếm (sách truyện, hoa, các hoạt động xã hội... ), đồ bị hỏng thì cần phải tìm cách tái sử dụng, không được mua đồ mới, nếu mua cũng chỉ nên mua thứ rẻ tiền nhất. Lâu dần, đây thành một lối mòn tư duy: không được hướng tới một cuộc sống tốt hơn, khi có cơ hội cũng trở nên rụt rè, không tự tin nắm bắt vì lo rằng mình "không đủ khả năng, không có tiền".
Tệ hại hơn, khi bước vào môi trường tập thể, người xuất thân trong gia đình nghèo mang đến không khí kém lạc quan, tươi mới.
Trong khi đó, trẻ sinh trong gia đình có điều kiện thường không nghĩ nhiều về "tiền", mà hướng tới những thứ mình thích và quan tâm tới những thứ mới mẻ. Những trẻ này khi bước vào môi trường tập thể sẽ mang đến không khí tươi vui, lạc quan và tích cực cho mọi người.
2. Con nhà giàu có thể nhìn xa hơn thực tại
Với con nhà nghèo, thứ chú ý cao nhất là "tiền", là thực tế trước mắt, trong khi con nhà giàu nhìn xa hơn chuyện tiền bạc, là hiện tại.
Tác giả bài viết từng có một người bạn học hành giỏi giang, tuy nhiên vì sinh ra trong gia đình nghèo, anh phải từ bỏ cơ hội du học trời Tây để ở nhà kiếm tiền cáng đáng gia đình, bởi "điều này cấp bách hơn".
Hẳn nhiên cơ hội du học là vô cùng giá trị, lợi ích của nó cũng cao hơn rất nhiều so với việc ở lại quê nhà, nhưng anh đã không thể nắm bắt, vì cuộc sống khiến anh không được quyền nhìn xa hơn thực tại.
Trái ngược với hoàn cảnh này, con nhà giàu ít bị hạn chế trong suy nghĩ, nên vấn đề mà họ phải đối mặt ít hơn rất nhiều. Bởi vậy, dễ hiểu là họ sẽ có cơ hội phóng tầm mắt ra xa hơn thực tại, không vì những lợi nhuận nhỏ trước mắt mà bỏ qua những viễn cảnh lâu dài.
Người xưa nói câu "Lựa chọn đúng quan trọng hơn là làm việc chăm chỉ", và rõ ràng, lựa chọn chính xác có thể khiến cuộc đời bạn rẽ theo hướng hoàn toàn khác biệt.
3. Con nhà giàu có cơ hội trải nghiệm sống nhiều hơn
Trẻ nhà nghèo sống trong một môi trường bó hẹp, do đó cơ hội trải nghiệm các hoạt động phong phú của đời sống càng ít, đường chân trời tự nhiên không rộng lớn. Thói quen suy nghĩ hình thành và trở nên cố định, thế nên việc xem xét mọi vấn đề đều bị hạn chế.
Như trường hợp trên - cô gái Lệ Lệ hoàn thành nhiệm vụ lập kế hoạch dựa trên kiểm soát chi phí, tuy nhiên lại bỏ qua yếu tố hình ảnh của công ty trong mắt khách hàng, cổ đông, thế nên ông chủ không nhận cô vào vị trí tốt.
Trái ngược với con nhà nghèo, trẻ nhà giàu có nhiều trải nghiệm hơn, xem xét vấn đề toàn diện hơn thay vì bị giới hạn ở bất cứ khía cạnh nào.
Giống như cô gái Văn Văn, khi thực hiện bản kế hoạch của mình, cô tính đến mọi khía cạnh khác nhau, bao gồm hình ảnh của công ty, thế nên cô được trọng dụng.
Cha mẹ nào cũng sẽ nói: Tôi đâu muốn con sinh ra trong nghèo khó, khiến cuộc đời nó sau này bị ảnh hưởng. Điều đó đúng.
Tuy nhiên, để con dù sinh ra trong gia đình không giàu có về vật chất, nhưng vẫn có cơ hội phát triển đầy đủ, và có tư duy của một đứa trẻ tiến bộ, cha mẹ cần cho con cơ hội trải nghiệm cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống của chính mình. Với người giàu có nuôi con đúng cách, đây là ba tư duy dễ nhận thấy:
- Giàu không có nghĩa là phung phí, nhưng đầu tư tiền bạc vào những thứ đáng để tiêu. Việc cha mẹ thích nghi với thời đại cũng góp phần giúp trẻ thích nghi với xã hội và tạo lập chỗ đứng cho riêng mình.
- Cho con cái cơ hội trải nghiệm cuộc sống, ví dụ đưa con đi du lịch, khám phá thế giới là cách để con mở rộng tầm nhìn.
- Dạy cho con khái niệm chính xác về quản lý tài chính, thiết lập cho trẻ một quan điểm hợp lý về tiền bạc, học cách sử dụng tiền bạc mình có để tạo ra thêm tài sản cho chính trẻ.