Tại hội thảo “CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay thách thức” diễn ra sáng 18/1 ở Hà Nội, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, về thuế quan, các nước cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế, 66% về 0% khi Hiệp định có hiệu lực, 86,5% về 0% sau 3 năm; không áp dụng thuế xuất khẩu, ngoại trừ một số mặt hàng như xăng dầu, đối với Việt Nam; các nước cam kết xóa bỏ gần như 100% số dòng thuế ở các ngành đồ gỗ, thủy sản; Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Việt Nam cam kết xóa bỏ nhiều dòng thuế với các thành viên tham gia CPTPP. Với một số mặt hàng nhạy cảm như bia, thịt gà, Việt Nam có lộ trình cắt giảm thuế cho các nước khác trong 10 năm. Các lĩnh vực Việt Nam được hưởng lợi nhiều như giày dép, cà phê, chè, hạt tiêu, với nhu cầu lớn tại các thị trường Canada, Nhật Bản...
Song ngoài những mặt hàng có thế mạnh, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ở một số mặt hàng như thực phẩm, ôtô, doanh nghiệp nếu không cạnh tranh được có thể sẽ phá sản.
Theo bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế, vượt qua được các đòi hỏi về nguyên tắc xuất xứ thì các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường mới được hưởng mức thuế ưu đãi. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ để có thể xuất khẩu hàng hóa.
Nói cụ thể hơn về quy tắc xuất xứ, bà Thùy cho biết, đó là yêu cầu 100% các nguyên vật liệu tạo nên sản phẩm phải nằm toàn bộ trong quốc gia đó. Ðây là quy tắc xuất xứ chặt chẽ để ngăn chặn các quốc gia không phải là thành viên của Hiệp định tận dụng các ưu đãi thuế.
Các doanh nghiệp cần lưu ý, nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ CPTPP nhưng có giá trị gia tăng trong CPTPP (dù chỉ 1%), thì số phần trăm giá trị gia tăng thực tế của nguyên liệu sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng CPTPP trong sản phẩm được sản xuất tại nước xuất khẩu sản phẩm.
Chẳng hạn, một gói cafe khi được sản xuất tại Biên Hòa lấy nguyên liệu cà phê từ Buôn Mê Thuột, sữa từ Mộc Châu, đường từ Quảng Ngãi. Bốn tỉnh này đều nằm trong lãnh thổ Việt Nam. CPTPP coi mỗi quốc gia trong Hiệp định là một tỉnh. Khi đó, CPTPP không cần tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực (Regional Value Content - RCV) phải đạt 40% như các hiệp định thương mại tự do khác. Tiêu chí RCV đạt 15% hay 20% vẫn được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) bình thường.
CPTPP còn có điểm lợi ở De Minimis - quy tắc linh hoạt cho phép thành phẩm linh hoạt về xuất xứ 10% nhưng vẫn có ưu đãi thuế quan đặc biệt. Tiêu biểu, sợi không có xuất xứ được phép chiếm không quá 10% trọng lượng vải sử dụng để tạo nên thành phẩm. Ví dụ, trong 100 tấn sợi, doanh nghiệp dệt may có quyền linh hoạt 10 tấn vẫn được hưởng ưu đãi.
Quy tắc này chỉ áp dụng duy nhất trong ngành dệt may về trọng lượng. Còn nếu tính về giá trị, nhiều ngành hàng vẫn được hưởng chính sách này. Tuy nhiên, không áp dụng với một số nguyên liệu sử dụng để sản xuất bơ sữa và các sản phẩm bơ sữa, một số loại nước ép hoa quả và một số loại dầu ăn.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quy định xuất xứ từ sợi của CPTTP đã đánh đúng vào điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam. Hiện Việt Nam vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn sơ xợi, 80% vải... Vậy doanh nghiệp dệt may phải làm gì để tận dụng lợi thế của CPTTP? Việt Nam cần sản xuất được vải.
Ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho rằng, vấn đề lớn nhất của ngành dệt may là sản xuất vải, mấu chốt là vấn đề in, nhuộm... Tại các nước phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh nghiệp lớn đều xây dựng chuỗi cung ứng, khu công nghiệp với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.
Khi tập trung về một khu vực, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng xử lý, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đến 12,8 tỷ USD vải/năm. Bởi vậy, Chính phủ cần có chính sách để doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, hiện 80 - 90% địa phương nói không với các dự án dệt nhuộm bởi lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.