Bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi rõ nét. Những năm trước, các nghiệp vụ bán lẻ như bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe luôn là động lực tăng trưởng của khối phi nhân thọ, chiếm gần 60% tổng doanh thu, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, hai nghiệp vụ liên tục suy giảm mức tăng trưởng.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 9 tháng đầu năm 2021, bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng âm gần 8%, còn bảo hiểm sức khỏe tăng trưởng âm 0,7%.
Tăng trưởng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới âm vì lượng xe mới bán ra giảm sút. Với bảo hiểm sức khỏe (gồm bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe), năm nay thất thu bảo hiểm học sinh - sinh viên nên bảo hiểm tai nạn con người 9 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng âm gần 14%, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dù tăng trưởng gần 17% nhưng cũng không giúp nhóm bảo hiểm sức khỏe tránh được tình trạng tăng trưởng âm.
Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm có 20% thị phần bảo hiểm học sinh - sinh viên, việc sụt giảm doanh thu dòng sản phẩm này là điều không thể tránh khỏi trước tác động của dịch Covid-19. Khi thị trường bị thu hẹp, mức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ càng khốc liệt hơn.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực khơi thông dòng chảy bán lẻ, nhưng thu nhập người dân giảm sút do dịch bệnh kéo dài và quy định giãn cách được nhìn nhận là rào cản chính khiến doanh thu bán lẻ khó có thể tăng trưởng mạnh trở lại trong giai đoạn cuối năm 2021, thậm chí sang cả nửa đầu năm 2022 (trừ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc và bảo hiểm sức khỏe).
Bảo hiểm xe cơ giới được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức thấp, nhất là khi một số công ty bảo hiểm lớn thận trọng hơn với mảng nghiệp vụ này sau khi ghi nhận mức tổn thất cao trong năm 2020 do tình trạng cạnh tranh cao và định phí thấp.
Kỳ vọng vào các sản phẩm bán buôn
Khó khăn trong khai thác bán lẻ khiến các nghiệp vụ bán buôn được đặt kỳ vọng nhiều hơn. Thực tế, 9 tháng đầu năm 2021, các sản phẩm bán buôn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu phí khá ấn tượng. Thống kê của IAV cho thấy, bảo hiểm tài sản và thiệt hại tăng 10,2%, bảo hiểm cháy nổ tăng 16,6%, bảo hiểm hàng hóa tăng 20%...
Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đẩy nhanh đàm phán, ký kết các hợp đồng bảo hiểm xây dựng, hàng hóa, cháy nổ sau thời gian tạm ngưng vì giãn cách xã hội.
Vùng kinh tế trọng điểm TP.HCM và các tỉnh phía Nam tái khởi động các công trình xây dựng cơ bản cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh khác sau khi dịch bệnh được kiểm soát đang giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đẩy nhanh đàm phán, ký kết các hợp đồng bảo hiểm xây dựng, hàng hóa, cháy nổ sau thời gian tạm ngưng vì giãn cách xã hội.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế AM Best dự báo, mảng bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng, nhưng ở mức độ thấp trong bối cảnh bức tranh kinh tế còn nhiều thách thức trong ngắn hạn.
Bảo hiểm tai nạn cá nhân và bảo hiểm sức khỏe vẫn là động lực chính cho sự tăng trưởng của khối phi nhân thọ, khi ý thức cộng đồng trước rủi ro sức khỏe, sinh mạng được nâng cao trong bối cảnh đại dịch.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng có thể bị kiềm chế bởi sự giảm tốc của loại hình bảo hiểm sức khỏe theo nhóm, do các công ty trong nước thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí.
Mảng bảo hiểm liên quan đến vận chuyển hàng hóa và hàng không có triển vọng sáng khi các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc phục hồi kinh tế, tăng cường giao thương.
Bên cạnh nỗ lực cải tiến hạ tầng kỹ thuật số, các công ty bảo hiểm trong nước ngày càng đơn giản hóa các sản phẩm cá nhân để dễ dàng phân phối qua kênh trực tuyến và qua ứng dụng điện thoại di động. Tiến bộ kỹ thuật này giúp đại lý bảo hiểm diễn giải tốt hơn về sản phẩm với khách hàng trong quá trình bán hàng và cải thiện chất lượng dịch vụ.