Tài liệu ĐHCĐ của ASIAGF chưa được công bố, nhưng theo một đại diện Quản lý quỹ ACB, trước hạn chế lớn nhất của quỹ đóng là giá giao dịch biến động hơn so với NAV (tỷ lệ chiết khấu so với NAV cao), các cổ đông đã đề nghị giải thể Quỹ trước thời hạn (năm 2015). Vị này cũng cho biết, sau khi giải thể Quỹ, Công ty Quản lý quỹ ACB sẽ ra mắt quỹ mở mới. Hiện trên thị trường, chỉ còn ASIAGF là quỹ đóng đang niêm yết, các quỹ còn lại đã giải thể hoặc chuyển sang quỹ mở.
So với các quỹ đóng đã giải thể hoặc chuyển sang quỹ mở như PRUPF1, MAFPF1, VF1, VF4…, thì danh mục đầu tư của quỹ đóng ASIAGF chủ yếu là tiền gửi ngân hàng, kỳ hạn 3 tháng. Cụ thể, năm 2012 và 2013, Quỹ đã đầu tư khoảng 97% tổng giá trị tài sản ròng vào tiền gửi có kỳ hạn, chỉ 0,7% NAV đầu tư vào cổ phiếu niêm yết.
Tại thời điểm 30/6/2014, tiền gửi ngân hàng của ASIAGF là gần 217 tỷ đồng, đầu tư chứng khoán khoảng 686,4 triệu đồng. Kết thúc quý II/2014, thu nhập từ hoạt động đầu tư của ASIAGF đạt 8,44 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ lãi từ tiền gửi ngân hàng 9,2 tỷ đồng, (cổ tức 75,4 triệu đồng và lỗ từ chứng khoán đầu tư đã bán là 789,6 triệu đồng). Do đó, rủi ro khi TTCK giảm khiến NAV tại ngày đóng quỹ giảm theo của ASIAGF sẽ thấp hơn nhiều và Quỹ cũng không phải “đau đầu” với bài toán thanh lý danh mục như các quỹ khác.
Tại thời điểm ASIAGF công bố thông tin về ĐHCĐ bất thường (7/10), chứng chỉ quỹ ASIAGF được giao dịch tại 10.200 đồng/CCQ. Giá trị tài sản ròng tại kỳ báo cáo 25/9/2014 của ASIAGF đạt 276,34 tỷ đồng, tương ứng 11.510 đồng/CCQ. Tỷ lệ chiết khấu tại thời điểm đó là 11,38%.
Sau thời điểm công bố thông tin, giá CCQ ASIAGF có nhích nhẹ, hiện đang được giao dịch tại mức giá 11.000 đồng/CCQ, so với NAV tại kỳ báo cáo gần nhất 9/10/2014 là 11.536 đồng/CCQ, tỷ lệ chiết khấu là 4,6%. Như vậy, có thể thấy, NĐT nắm giữ CCQ ASIAGF trước thời điểm 7/10/2014 có thể sẽ được hưởng lợi chiết khấu ít nhất 11,38% khi Quỹ giải thể, nhưng hiện tại thì mức chiết khấu 4,6% thấp hơn lãi suất tiết kiệm.
Trong tổng số 6 chứng chỉ quỹ đóng niêm yết, có 3 chứng chỉ quỹ đóng là VFA, VF1, VF4 do CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) quản lý đã chuyển đổi thành công sang quỹ mở. Quỹ Đầu tư cân bằng Prudental (PRUBF1) đã hoàn tất việc giải thể Quỹ từ tháng 10/2013 với giá trị nhà đầu tư nhận lại là 10.886 đồng/CCQ. Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Manulife (MAFPF1) cũng quyết định đóng quỹ vào tháng 10/2014 sau khi nhà đầu tư không đồng ý chuyển sang quỹ mở. MAFPF1 đã hủy niêm yết tại HOSE vào 20/8/2014 vừa qua.