ASEAN và EU sẽ nghiên cứu xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do

0:00 / 0:00
0:00
ASEAN và EU nhất trí phối hợp thúc đẩy liên kết kinh tế và tự do hoá thương mại, đẩy nhanh hướng tới sớm hoàn tất Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện ASEAN-EU (CATA).

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53, chiều 12/9 đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU và ASEAN - Ấn Độ.

ASEAN và EU thống nhất tiếp tục nghiên cứu xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU, cả hai bên đều nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của mối quan hệ giữa hai tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất hiện nay. Hai bên ghi nhận những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác hai bên trong thời gian qua, nhất là trong triển khai tích cực Kế hoạch hành động ASEAN-EU giai đoạn 2018-2022. Trong nhiều năm, EU là đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN, nhất là trên lĩnh vực kinh tế và hợp tác phát triển. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN với tổng thương mại hai chiều năm 2019 đạt 280 tỷ USD và là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của ASEAN với tổng FDI năm 2019 đạt 16,2 tỷ USD.

Các Bộ trưởng khẳng định cam kết mạnh mẽ, thời gian tới, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN và EU, tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ “Đối tác trong liên kết” (Partners in Integration). Hai bên hoan nghênh việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 22 (tháng 1/2019, tại Bỉ) đã thống nhất về nguyên tắc về nâng cấp quan hệ ASEAN-EU lên đối tác chiến lược và nhất trí phối hợp thúc đẩy để sớm chính thức hoá việc nâng cấp này.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực làm sâu sắc quan hệ ASEAN-EU. (Ảnh: VGP/Hải Minh)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực làm sâu sắc quan hệ ASEAN-EU. (Ảnh: VGP/Hải Minh)

Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực cùng quan tâm và có thế mạnh, trong đó có kinh tế-thương mại, kết nối, giao thông, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh biển, y tế, … Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ hỗ trợ nâng cao năng lực, ứng phó đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi. EU là một trong những đối tác đầu tiên phối hợp với ASEAN tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch Covid-19 (20/3/2020). ASEAN đánh giá cao việc EU tuyên bố huy động gói trợ giúp 800 triệu Euro dành cho khu vực ASEAN để phòng chống và giảm thiểu các tác động của dịch Covid-19.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ASEAN và EU nhất trí phối hợp thúc đẩy liên kết kinh tế và tự do hoá thương mại, tiếp tục nghiên cứu xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do hai bên cũng như đẩy nhanh hướng tới sớm hoàn tất Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện ASEAN-EU (CATA). ASEAN đánh giá cao và đề nghị EU tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển dành cho khu vực như E-READI (đối thoại chính sách và hỗ trợ ASEAN hội nhập), ARISE Plus (hỗ trợ liên kết kinh tế), EU SHARE (hợp tác giáo dục)…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực làm sâu sắc quan hệ ASEAN-EU, hướng tới chính thức nâng cấp quan hệ hai bên lên đối tác chiến lược. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tăng cường kết nối đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phục hồi kinh tế và duy trì tăng trưởng, hoan nghênh EU đề xuất ra Tuyên bố chung Bộ trưởng ASEAN-EU về Kết nối và ủng hộ thúc đẩy gắn kết và bổ trợ trong triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Chiến lược Kết nối EU.

ASEAN giữ vai trò trung tâm trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ

Tại Hội nghị BTNG ASEAN - Ấn Độ, các Bộ trưởng ghi nhận mặc dù bị ảnh hưởng bởi những diễn biến tình hình phức tạp, khó lường, nhất là những thách thức do dịch Covid-19, quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ tiếp tục đạt được những tiến triển đáng kể trên các lĩnh vực, kể cả trong triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2016-2020.

Ấn Độ khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, nhấn mạnh ASEAN giữ vai trò trung tâm trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. ASEAN đánh giá cao cam kết và sự tham gia tích cực của Ấn Độ trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) cũng như sự hỗ trợ của Ấn Độ đối với hợp tác khu vực và xây dựng cộng đồng ASEAN.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, hợp tác biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, kết nối, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, trao đổi văn hoá và giao lưu nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ đối với khu vực. (Ảnh: VGP/Hải Minh)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ đối với khu vực. (Ảnh: VGP/Hải Minh)

Về ứng phó dịch bệnh Covid-19, Ấn Độ khẳng định hỗ trợ ASEAN khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi bền vững; phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong nghiên cứu và sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19. ASEAN đánh giá cao Ấn Độ hỗ trợ tích cực dành cho hợp tác khu vực, bao gồm đào tạo nâng cao năng lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, dành khoản tín dụng 1 tỷ USD hỗ trợ các dự án kết nối giữa hai bên…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ đối với khu vực, khẳng định Ấn Độ là đối tác và là một người bạn tin cậy của ASEAN; nhấn mạnh thời gian tới ASEAN và Ấn Độ cần nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, kết nối, hợp tác biển, phối hợp khai thác đầy đủ tiềm năng thị trường rộng lớn hơn 1,8 tỷ dân, tăng cường hợp tác nhằm đạt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 200 tỷ USD vào năm 2022; khẳng định tầm quan trọng của việc Ấn Độ tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và nhấn mạnh Hiệp định RCEP luôn rộng mở đối với sự tham gia của Ấn Độ.

Các đối tác lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông

Tại cả hai Hội nghị nói trên, các nước dành thời gian trao đổi về các vấn đề thế giới và khu vực cùng quan tâm. Về tình hình Biển Đông, các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, không quân sự hoá, kiềm chế không có các hành động gây phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông 2002 (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử COC ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

EU nhấn mạnh cần tôn trọng luật pháp quốc tế, kiềm chế tránh các hành động gây căng thẳng, không quân sự hoá và ủng hộ các nỗ lực xây dựng luật lệ điều chỉnh các hành vi ứng xử tại khu vực. Ấn Độ thông báo với các nước ASEAN về Sáng kiến các Đại dương Ấn Độ và Thái Bình Dương; EU hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, ủng hộ các nỗ lực thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Trong trao đổi tại các Hội nghị với EU và Ấn Độ, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự ủng hộ của các đối tác đối với những nỗ lực của ASEAN trong tham gia đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh tăng cường xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có các hành động gây xói mòn lòng tin, phức tạp thêm tình hình, giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử COC ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực.

Tin bài liên quan