ASEAN - Trung Đông: Nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo “ASEAN Perspectives” với nhận định, liên kết giữa ASEAN và Trung Đông còn chưa sâu sắc như với các khu vực khác ở thời điểm hiện tại, tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ. 

Thương mại không đồng đều

Theo HSBC, quan hệ thương mại giữa ASEAN và MENA (các nước thành viên Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) và Ai Cập) đã thu hút sự chú ý khi những gián đoạn ở Biển Đỏ bắt đầu xảy ra. Tương tự như thương mại giữa Trung Quốc với MENA, thương mại ASEAN-MENA, với tổng giá trị năm 2023 đạt hơn 126 tỷ USD, có phần không đồng đều. Mặc dù xuất khẩu từ ASEAN sang MENA đang tăng trưởng ở mức hai con số kể từ 2024, giá trị xuất khẩu tuyệt đối lại chỉ bằng một phần ba của nhập khẩu. Rõ ràng, ASEAN đã liên tục chứng kiến mức độ thâm hụt thương mại lớn với MENA, mức cao nhất là hơn 5 tỷ USD/tháng, mới chỉ thu hẹp nhẹ ngay sau đợt bùng dịch đầu tiên khi giá dầu sụt giảm.

MENA chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong tổng xuất khẩu của ASEAN. Ngay cả ở Indonesia và Thái Lan, vốn là hai nước xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Đông, thị phần cũng chỉ ít ỏi là 4% mỗi nước. Mặc dù vậy, một số sản phẩm từ mỗi nền kinh tế lại có lượng xuất khẩu nhiều hơn. Chẳng hạn, Thái Lan xuất gần 20% ô tô sang Trung Đông khiến khu vực này trở thành điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba của Thái Lan. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Malaysia: 17% dầu cọ của nước này được xuất sang Trung Đông, nhấn mạnh quy mô Trung Đông là một thị trường tương đối lớn.

“Mặc dù vậy, chúng ta không thấy tình hình này diễn ra ở Indonesia, quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, nơi lượng xuất khẩu sang Trung Đông chỉ có 7%”, HSBC nhận định.

HSBC cho biết, ngoại trừ một số sản phẩm đặc biệt, lượng xuất khẩu của ASEAN sang Trung Đông nhìn chung còn tương đối hạn chế. Nguyên nhân có lẽ là do rào cản tự do hóa thương mại, bởi thuế suất bình quân của hai khu vực này đều ở mức cao. Điều may mắn là các nhà làm chính sách đã nhận diện được những rào cản này và gần đây có những nỗ lực thúc đẩy nhằm khuyến khích các cơ hội thương mại tiềm năng. Singapore là quốc gia ASEAN duy nhất đã ký hiệp định thương mại tự do với các nước thành viên GCC, có hiệu lực từ 2013. Các nước ASEAN khác như Malaysia và Indonesia cũng đã khởi động đàm phán hoặc ký hiệp định thương mại tự do với các quốc gia riêng lẻ trong khối.

Báo cáo của HSBC cho biết: “Ở tầm khu vực, một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và GCC mới chỉ được Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đề xuất vào tháng 10/2023. Mặc dù sẽ còn mất nhiều thời gian đàm phán, nhưng đây cũng được coi như sự khởi đầu cho một mối quan hệ hợp tác chính thức mới về cơ chế thương mại”.

Ở phương diện ngược lại, Báo cáo của HSBC cho biết, ASEAN có lượng nhập khẩu cao hơn từ MENA. Tính bình quân, 6% hàng nhập khẩu của ASEAN đến từ Trung Đông, trong đó, Thái Lan nhập nhiều nhất với thị phần 10%. Nhập khẩu của ASEAN từ MENA tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng (nhiên liệu), với thị phần lên đến gần 80%, chủ yếu đến từ Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.

Cũng theo HSBC, mặc dù dòng chảy thương mại hiện tại còn hạn chế, tiềm năng chưa khai phá vẫn còn rất lớn, ước tính có thể lên đến 47 tỷ USD. Dựa trên dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), xuất khẩu tiềm năng chưa khai phá của ASEAN có thể lên đến gần 30 tỷ USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu thực tế.

Cụ thể, tiềm năng chưa khai phá trong lĩnh vực thiết bị điện tử (7,1 tỷ USD) và máy móc điện (7,1 tỷ USD) đang dẫn đầu trong bối cảnh ASEAN hội nhập sâu hơn trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Mặt khác, tiềm năng xuất khẩu chưa khai phá của MENA sang ASEAN có thể lên đến 18 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu nhựa (4,4 tỷ USD), hóa chất (3,2 tỷ USD) và kim loại (2,3 tỷ USD) là những ngành mang nhiều hứa hẹn.

Đầu tư đến dưới dạng đầu tư gián tiếp (FII) hơn là đầu tư trực tiếp (FDI)

Báo cáo của HSBC nhận định, dưới lăng kính FDI, các nhà đầu tư châu Á duy trì vị thế chủ đạo trong cơ cấu FDI của ASEAN trong khi đó FDI từ MENA chiếm thị phần tương đối nhỏ. Tuy nhiên, điều thú vị đáng lưu tâm ở đây là dòng đầu tư của MENA sang ASEAN chảy vào đâu. Không giống như các nhà đầu tư châu Á, nơi phần lớn thị phần đầu tư tập trung vào lĩnh vực sản xuất trụ cột của ASEAN, FDI của MENA khá đa dạng.

“Một phần ba mối quan tâm đổ vào lĩnh vực bất động sản, theo sau là tài chính và khai thác mỏ. Trong những năm gần đây, sự quan tâm ngày càng gia tăng từ các nhà đầu tư MENA đối với các lĩnh vực bao gồm du lịch, năng lượng tái tạo và thực phẩm của ASEAN đã bắt đầu thu hút sự chú ý”, Báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, HSBC cho rằng, tại thời điểm hiện tại, dòng đầu tư gián tiếp của MENA vẫn đang chiếm ưu thế. Do hạn chế về dữ liệu, dòng đầu tư mô tả trong Biểu đồ 12 chưa phản ánh chính xác dòng đầu tư thực tế do không có dữ liệu từ UAE, với Dubai là một trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu; chúng ta vẫn có thể nhìn thấy xu hướng trong những năm qua, trong đó, Malaysia, Indonesia và Singapore là những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất.

Kết nối con người

Báo cáo cho rằng, bên cạnh hàng hóa và dòng đầu tư, kết nối con người cũng là một lĩnh vực trọng yếu. Là một khu vực có thể mang đến sản phẩm du lịch đa dạng, ASEAN đã trở nên phổ biến với du khách MENA sau đại dịch. Tất nhiên, MENA không thể so sánh với thị trường nguồn truyền thống của ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc. Xét cho cùng, du khách từ MENA chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng du khách. Tỷ lệ này chỉ là một phần nhỏ so với thị phần 12% của Trung Quốc trong năm 2023, ấy là chưa kể thị phần này cũng đã sụt giảm so với mức đỉnh trước đại dịch là khoảng 30%.

Mặc dù vậy, nhiều nước ASEAN đã nỗ lực đa dạng thị trường nguồn nhằm tăng tốc phục hồi toàn diện cho lĩnh vực du lịch. Trong đó, Thái Lan nổi bật hơn cả, thu hút hơn nửa trong số 1,1 triệu du khách MENA đến ASEAN trong năm 2023. Mặc dù số lượng du khách còn hạn chế, sức chi tiêu của họ mới là điều đáng nói. Du khách MENA không chỉ có xu hướng ở lại lâu gấp đôi mức bình quân của du khách, họ còn chi tiêu nhiều hơn 30%, gần đạt 8.000 THB (200 USD)/ngày.

Mặc dù số lượng du khách từ MENA còn hạn chế, HSBC dự báo, tốc độ phục hồi lại vượt trội hơn các khu vực khác. Trong bối cảnh quá trình phục hồi vẫn còn chưa cao khi Thái Lan chỉ chứng kiến 70% lượng du khách trở lại so với mức trước đại dịch, Cục Du lịch Thái lan đã thu hút thành công 600.000 du khách từ Trung Đông, vượt 50% chỉ tiêu năm ngoái.

Báo cáo nhận định: “Không như Thái Lan tập trung vào ngành du lịch, Philippines có một lộ trình khác với MENA thông qua kiều hối từ xuất khẩu lao động. Tổng kiều hối chiếm gần 10% GDP, trong đó chỉ riêng Trung Đông đã chiếm một phần tương đối lớn là 17% trong năm 2023. Tuy nhiên, con số này cũng đã giảm mạnh so với đỉnh của năm 2017 là 28%, tình hình chung diễn ra tại tất cả các nước MENA. Câu chuyện phần nào phản ánh cơ hội việc làm tốt hơn ở quê nhà và những nơi khác”.

Tin bài liên quan